Sau gần 2 năm triển khai chính sách "Zero Covid-19" khiến hầu hết sinh viên quốc tế phải học trực tuyến, Trung Quốc đã mở cửa một phần từ tháng 9.2022 và mở cửa hoàn toàn biên giới vào ngày 8.1 vừa qua. Đây là cơ hội thuận lợi để nhiều du học sinh Việt đến học trực tiếp tại quốc gia này, theo thạc sĩ Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Du học Hoa Ngữ (Hà Nội).
Nhằm chuẩn bị hành trang tốt nhất, chuyên gia có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du học Trung Quốc, từng tham gia giảng dạy tại các trường ĐH nước này, dành một số lời khuyên cho người học về thị thực, học tập và sinh hoạt. Dưới đây là 10 điều du học sinh Việt cần biết trước khi đến với Trung Quốc.
1. Thị thực du học
Để du học Trung Quốc, bạn có thể ứng tuyển các loại thị thực là X1 và X2. Trong đó, X1 dành cho các khóa dài hạn trên 180 ngày và X2 dành cho các khóa ngắn hạn dưới 180 ngày. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc hiện mới xem xét cấp thị thực X1 cho các hệ 1 năm tiếng Trung, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và chưa thông báo tiếp nhận hồ sơ xin thị thực X2 gồm các hệ như 1 kỳ tiếng Trung, trại hè, trại đông.
Ngoài ra, để nhập cảnh vào Trung Quốc, du học sinh Việt chỉ cần giấy xác nhận đã tiêm chủng Covid-19 cùng kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước khi xuất cảnh. "Nước này đã nới lỏng gần như hoàn toàn cho sinh viên quốc tế nên việc di chuyển thuận tiện hơn nhiều, không cần phải cách ly 14-28 ngày như trước đây", thạc sĩ Việt thông tin.
2. Quy định làm thêm
Từ cuối tháng 12.2021, chính phủ Trung Quốc và các trường ĐH bắt đầu linh hoạt hơn trong vấn đề làm thêm ngoài giờ học đối với sinh viên quốc tế khi cho phép du học sinh được đi làm thêm, thay vì quy định cấm và phạt trục xuất như trước.
Cụ thể, du học sinh Việt có thể làm thêm ở trong và ngoài khuôn viên trường. Thời gian quy định là tối đa 8 giờ/tuần và 40 giờ/tháng. Thời gian làm việc có thể được tăng gấp đôi vào kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, lần lượt là 16 giờ/tuần và 80 giờ/tháng.
3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Chính phủ Trung Quốc quy định điều kiện để xin thị thực ở lại làm việc là trên 24 tuổi và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc. Cơ hội để sinh viên mới tốt nghiệp ĐH ở lại làm việc tại Trung Quốc là "tương đối khó", thạc sĩ Việt nhìn nhận. "Nếu các bạn tích lũy được kinh nghiệm trong khi học qua việc thực tập hay làm thêm tại các công ty thì có thể nhờ họ xác nhận để xin thị thực lao động", anh Việt chia sẻ.
4. Cách liên lạc với gia đình
Vì Trung Quốc có những trang mạng xã hội riêng nên các nền tảng liên lạc thông dụng tại Việt Nam như Facebook, Messenger, Zalo sẽ không được hỗ trợ. Để không bị mất kết nối với gia đình, bạn có thể cài đặt trước ứng dụng nhắn tin Wechat cho người nhà. Một lưu ý khác là nên cài đặt phần mềm vượt tường lửa VPN cho điện thoại, laptop trước khi đến Trung Quốc.
5. Chi tiêu
Về học phí, hệ ĐH sẽ dao động trung bình từ 12.000-25.000 nhân dân tệ mỗi năm học (42-90 triệu đồng) tùy vào từng trường, từng khu vực. Sinh hoạt phí nằm trong khoảng từ 1.000-2.000 nhân dân tệ mỗi tháng (3,5-7 triệu đồng) tùy vào khu vực. "Bạn có thể ăn uống tại căn tin và sống tại ký túc xá của trường để tiết kiệm chi phí", anh Việt khuyên.
6. Làm thẻ ngân hàng
Các bạn có thể mở tài khoản tín dụng hoặc thanh toán tại Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng đa số du học sinh sẽ đến trường ĐH rồi mới bắt đầu làm thẻ. Nhiều ngân hàng liên kết với trường để giúp sinh viên mở thẻ đầu năm học mới nên các bạn có thể cập nhật trước thông tin từ nhà trường. Nếu không có, hãy tham khảo ý kiến từ quản lý sinh viên, hội sinh viên hay anh chị đã học tập tại trường để xem lựa chọn phù hợp.