Trung Quốc bỏ thuế nhập khẩu và cho phép lập doanh nghiệp tư nhân từ 1980, còn Hàn Quốc hỗ trợ các chaebol để đẩy nhanh tăng trưởng, công nghiệp hóa.
Trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá những thành công trên chặng đường gần 40 năm Đổi mới có sự đóng góp rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân, và khu vực này là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Hiện khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, gồm khoảng 940.000 doanh nghiệp và trên 5,2 triệu hộ kinh doanh.
Trên thế giới, kinh tế tư nhân cũng là động lực phát triển của hàng loạt quốc gia. Tại Trung Quốc, thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện từ những năm 1980 và tăng trưởng nhanh chóng trong 4 thập kỷ sau đó. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình được coi là kiến trúc sư trưởng cho chính sách cải tổ và mở cửa tại đây. Từ cuối thập niên 70, nước này đã tìm cách tăng hội nhập với thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khuyến khích lĩnh vực tư nhân phát triển.
China Daily cho biết việc cải tổ kinh tế tập trung vào năng suất, ban đầu được thử nghiệm ở một ngôi làng nhỏ tại tỉnh An Huy, sau đó nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Khi không còn nền kinh tế tập trung, các nông dân được khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn khi được giao đất và tùy ý xử lý nông sản dư thừa.
Năm 1980, Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn được chọn phát triển thành các đặc khu kinh tế. Chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tư nhân, áp dụng công nghệ và khoa học để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - kỹ thuật.
Thành quả của chính sách này là Thâm Quyến từ làng chài 30.000 dân sống rải rác trong các ngôi làng nhỏ, giai đoạn 1978-2014, GDP thành phố này tăng 24.500% và trở thành trung tâm công nghệ mới.
Trung Quốc cũng chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp lên trung bình cao, theo Ngân hàng Thế giới (WB), và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ cũng giúp nước này tạo ra hàng loạt gã khổng lồ như Alibaba, Tencent, Huawei...
Hiện tại, công ty tư nhân chiếm 92% tổng số doanh nghiệp tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Số này đóng góp 50% ngân sách, hơn 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm thành thị của nước này.
Sau
Trượt để xem ảnh
Slide
Thâm Quyến năm 1964 và 2022. Ảnh: Reuters, Guardian
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh siết quản lý lĩnh vực tư nhân vài năm qua khiến doanh nghiệp tăng trưởng chậm, đầu tư giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng lên. Để khắc phục, từ năm 2023, giới chức Trung Quốc đưa ra một số biện pháp chủ chốt. Trong đó có văn bản hướng dẫn gồm 31 điểm để thúc đẩy kinh tế tư nhân, từ việc thành lập một cơ quan phụ trách trong Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đến đưa ra bộ luật riêng để hỗ trợ khu vực này.
Giữa tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước này, với thành phần tham dự và vị trí ngồi của các CEO trở thành tâm điểm chú ý của giới phân tích. Tại Đại lễ đường Nhân dân, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc ngồi đối diện ông Tập. Jack Ma (Alibaba) và Pony Ma (Tencent) - hai doanh nhân từng là tâm điểm của chiến dịch siết quản lý khu vực tư nhân cũng ngồi hàng đầu. Nhà sáng lập Meituan Vương Hưng, ngồi hàng hai. Lãnh đạo các hãng công nghệ Xiaomi và startup AI DeepSeek đình đám gần đây cũng tham dự.