Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng Đây cũng là lăng mộ hoàng gia lớn nhất và sang trọng nhất của Trung Quốc.
Theo Hoàn cầu Thời báo, các chiến binh đất nung được phát hiện tại ngôi mộ được gọi là "kỳ quan thứ tám của thế giới" và đã trở thành biểu tượng của văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.
Nhiều quốc gia tìm cách trưng bày đội quân đất nung trong các cuộc triển lãm chung để thể hiện sự đa dạng và bí ẩn của chúng.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ Trung Quốc ở Bảo tàng lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng đã được giao nhiệm vụ khó khăn là giải mã những bí mật của lăng mộ và giúp thế giới hiểu rõ hơn về kỳ tích kỹ thuật đầy cảm hứng này.
Khó khăn nhưng nhiều thành quả
Nằm ở chân phía bắc của Ly Sơn, cách Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây 35 km về phía đông bắc, lăng mộ vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần (năm 221-206 trước Công nguyên) được 700.000 người xây dựng trong khoảng thời gian 39 năm, theo Sử Ký - cuốn sách lịch sử hoành tráng của Trung Quốc cổ đại được biên soạn cách đây khoảng 2.000 năm.
Tuy nhiên, ngôi mộ có ý nghĩa lịch sử này vẫn chưa được khai quật, một phần do kích thước khổng lồ và cơ chế chống trộm khéo léo. Các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến để khai quật ngôi mộ theo cách không xâm phạm nhằm bảo tồn tốt nhất những di vật được chôn cất bên trong.
Kể từ khi cuộc khai quật lần đầu tiên bắt đầu vào năm 1974, các nhà khảo cổ đã tiến hành bảo tồn và nghiên cứu tại địa điểm này, với mong muốn làm nổi bật văn hóa nhà Tần và làm phong phú thêm nghiên cứu về lịch sử của triều đại nhà Tần.
Nhiều thành quả đã đạt được trong những năm qua. Vào những tháng đầu năm 2023, cuộc khai quật lần thứ ba hố số 1 và đội quân đất nung đã đạt được tiến bộ đáng kể, phát hiện hơn 220 bức tượng chiến binh đất nung. Nhờ đó, các nhà khảo cổ bắt đầu làm rõ quy tắc về cách bố trí đội quân đất nung và cũng tìm hiểu thêm về cách thức chúng được tạo ra.
Dấu vết hư hại của một hành lang là bằng chứng rõ ràng cho thấy Hạng Vũ - tướng quân lật đổ nhà Tần - đã từng tấn công lăng mộ.
Hố số 1 dài 230 mét, rộng 62 mét, là hố lớn nhất trong số các hố chôn cất bên trong lăng. Hàng chục thanh kiếm dài cũng đã được phát hiện trong hố.
Các di vật hàm chứa văn hóa và di sản của một quốc gia, phản ánh nền tảng văn hóa sâu sắc của quốc gia đó. Qua nghiên cứu và luận giải của các học giả, những di vật này đã thu hút được sự quan tâm lớn, dẫn đến “cơn sốt” khảo cổ và bảo tàng.
Các cuộc triển lãm theo chủ đề văn hóa nhà Tần - được đại diện bởi đội quân đất nung và ngựa - đã trở thành nhân chứng tốt nhất cho sự giao lưu văn hóa và học hỏi lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nền văn minh nước ngoài.
Đại diện cho một nền văn minh
Sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 vào cuối năm 2022, số lượng khách đến thăm bảo tàng đã tăng lên đáng kể.
Để kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5), bảo tàng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và tương tác khác nhau tập trung vào chủ đề "Bảo tàng, tính bền vững và hạnh phúc".
Các hoạt động này bao gồm trình diễn trực tiếp các kiểu tóc truyền thống của nhà Tần, các chương trình tiếp cận trường học với các hiện vật lịch sử và câu đố kiến thức, tuyển dụng tình nguyện viên tại các trường đại học và trải nghiệm thực tế như học cách viết chữ triện của nhà Tần và sửa chữa binh lính đất nung.
"Bằng cách thu hút du khách tham gia các sự kiện này, bảo tàng muốn kể những câu chuyện đằng sau các hiện vật và đưa lịch sử Trung Quốc vào cuộc sống cho du khách" - Tian Jing, phó giám đốc bảo tàng, nói.
Theo bà Tian, văn hóa nhà Tần có tác động đáng kể đến sự hình thành và phát triển của nền văn minh Trung Quốc khi triều đại này thành lập chính quyền tập trung đầu tiên của Trung Quốc.
Văn hóa nhà Tần là hiện thân của các khái niệm triết học độc đáo, tinh thần nhân văn và các tiêu chuẩn đạo đức, thể hiện sự phản ánh cốt yếu hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của một đế chế thống nhất trong lịch sử Trung Quốc.
"Hiểu được giá trị của văn hóa nhà Tần thông qua nghiên cứu và giải thích chuyên sâu là điều cần thiết để hiểu được lịch sử 5.000 năm của nền văn minh Trung Quốc" - bà Tian nói.
Bà Tian lưu ý, nghiên cứu về nền văn minh nhà Tần chắc chắn sẽ tiết lộ thêm thông tin về sự phát triển ban đầu và nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc.