Làn sóng cư dân nước ngoài rời đi
Một số người nói về sự cảnh giác ngày càng tăng, thậm chí là thù địch đối với người nước ngoài trong khi những người khác cho rằng họ lo lắng về việc lặp lại trải nghiệm phong tỏa trong đại dịch.
Sự ra đi của họ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây. Đối với Sophie Redding, giáo viên thể dục người Anh tại một trường quốc tế ở Vũ Hán, thành phố nơi phát hiện virus Corona lần đầu tiên, có nhiều yếu tố góp phần khiến cô quyết định quay trở lại Anh vào tháng 12.2023, theo SCMP.
"Đột nhiên, những người lạ bắt đầu bảo tôi hãy về nước. Mọi người sẽ nhìn thấy tôi trong thang máy và họ đợi chuyến tiếp theo. Khi các tài xế DiDi (một ứng dụng gọi xe) mà tôi đặt chuyến và nhận ra tôi là người nước ngoài, họ sẽ từ chối nhận chở", cô nói.
Redding cho biết mọi thứ đã dịu bớt sau đại dịch, nhưng trải nghiệm của cô khiến cô có cảm giác bị đối xử như một người ngoài cuộc.
"Tôi vẫn có rất nhiều người bạn tuyệt vời ở Vũ Hán và trên khắp Trung Quốc. Đó là lý do tại sao tôi ở lại lâu như vậy… nhưng tất cả những cuộc trò chuyện và tương tác nhỏ nhặt đó khiến bạn chán nản, và nó bắt đầu cản trở tất cả những điều tuyệt vời về cuộc sống ở Trung Quốc", cô nói.
Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng di cư của người nước ngoài ra khỏi đất nước trong ba năm xảy ra đại dịch, do thất vọng về chính sách chống Covid nghiêm ngặt, trong đó có những hạn chế đối với việc đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả việc phong tỏa kéo dài nhiều tháng ở Thượng Hải, thành phố có dân số quốc tế lớn nhất.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong thập kỷ tính đến tháng 11.2020, năm đầu tiên xảy ra đại dịch, số người nước ngoài sống ở Thượng Hải đã giảm hơn 20% xuống còn 164.000 người và 40% ở Bắc Kinh xuống còn 63.000 người.
Mặc dù đây là những số liệu mới nhất hiện có, nhưng hai năm kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt chắc chắn đã khiến nhiều cư dân nước ngoài rời đi hơn.
Không gì đảm bảo phong tỏa không xảy ra lần nữa
Những trường hợp người nước ngoài lũ lượt rời đi cho chúng ta thấy rằng, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút cả cá nhân và công ty từ nước ngoài.
Redding không phải là người duy nhất ở Trung Quốc cảm nhận được sự lạnh lùng ngày càng tăng đối với người ngoài.
James Campion, một dịch giả người Anh đã rời Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái, cho biết ông cảm nhận được một sự thay đổi tinh tế trong thái độ của người Trung Quốc và nhận thấy việc kết bạn mới ngày càng khó khăn hơn.
"Thật không dễ dàng để bắt đầu các cuộc trò chuyện và dường như có sự lưỡng lự tinh tế từ một số người dân địa phương, có lẽ phản ánh nhận thức ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị", ông nói.
Những vết sẹo khác từ kỷ nguyên không Covid vẫn tiếp tục tồn tại. Một giáo viên mỹ thuật người Mỹ gốc Nga đã rời Thượng Hải sau 13 năm cho biết, quyết định quay trở lại quê hương của cô phần lớn là do lo ngại chính quyền có thể một lần nữa áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc đi lại và hoạt động của người dân.
"Tôi thích người Trung Quốc. Tôi thích đồ ăn Trung Quốc. Tôi thích rất nhiều thứ. Tôi lớn lên ở Nga, trong một hệ thống gần như giống nhau. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng và tôi hiểu chúng", người phụ nữ khoảng 60 tuổi đề nghị không nêu tên, nói.
"Vì thế, tôi không nghĩ có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra lần nữa. Bởi vì bạn có thể bị phong tỏa theo cách tương tự.
Mọi người sợ lặp lại trải nghiệm trong ba năm Covid. Không ai muốn xa gia đình mình trong ba năm. Đó là một thời gian dài. Ai biết liệu sẽ có một đợt Covid khác hay không?", bà lo ngại.
Tìm cách thu hút người nước ngoài
James Zimmerman, đối tác của công ty luật quốc tế Perkins Coie và cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết các yếu tố đằng sau sự ra đi của các cá nhân - mà ông mô tả là "sự kết hợp giữa nền kinh tế yếu kém, rủi ro tuân thủ và căng thẳng địa chính trị" - cũng đang xua đuổi các doanh nghiệp.
"Trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu dùng rộng lớn và hấp dẫn, các doanh nghiệp nước ngoài đang suy nghĩ lại về việc nên duy trì hay mở rộng thị trường do một loạt vấn đề địa chính trị".
Đại dịch Covid đã thúc đẩy một số công ty vốn phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách tìm kiếm giải pháp thay thế ở các quốc gia khác.
Bắc Kinh đã cố gắng giải quyết những lo ngại như vậy và đưa ra một bộ hướng dẫn mới vào tháng 8 năm ngoái để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng bao gồm các cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nới lỏng các quy định về thị thực và cư trú, đồng thời miễn thuế tạm thời cho người nước ngoài tái đầu tư lợi nhuận của họ vào Trung Quốc.
Wang Huiyao, người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết một số mối lo ngại này có thể được giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách thị thực hoặc thậm chí các yêu cầu về cư trú.
Ông nhận định, những động thái gần đây nhằm giúp việc đi lại của khách du lịch và công tác trở nên dễ dàng hơn - bao gồm việc miễn thị thực một năm cho công dân Malaysia và 5 quốc gia châu Âu - có thể được mở rộng sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực khác của châu Âu để tạo ra một môi trường chào đón hơn.