Trung Quốc đã tự trang bị vũ khí cho thương chiến như thế nào?

Làm thế nào mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại lao vào một cuộc thương chiến mà không bên nào thực sự mong muốn và phần còn lại của thế giới thì không thể gánh chịu nổi? Sau buổi lễ “Ngày giải phóng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 02/04, trong đó ông công bố các mức thuế khác nhau đối với tất cả các đối tác thương mại của Washington, Mỹ và Trung Quốc đã phát động một số vòng leo thang trả đũa, đẩy mức thuế quan giữa hai nước lên mức cao ngất ngưởng. Đến ngày 11/04, mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã lên tới 145%, trong khi hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc bị đánh thuế 125%. Trừ phi hai nước đưa ra các miễn trừ rộng rãi, thì 700 tỷ đô la thương mại song phương hàng năm giữa họ có thể giảm tới 80% chỉ trong vòng hai năm tới. Các thị trường đã phản ứng tiêu cực với cuộc thương chiến đang rình rập, trong khi nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích phải chật vật tìm cách giải thích những gì chính quyền Trump đang cố gắng đạt được.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc thiếu đi sự khéo léo trong ngoại giao đã khiến nước này giỏi thể hiện sự thách thức hơn là định hình kết quả. Bắc Kinh đã không giải quyết được quan ngại chính đáng của nhiều người ở Mỹ và xa hơn nữa, rằng một làn sóng hàng xuất khẩu giá rẻ mới sẽ tạo ra một “cú sốc Trung Quốc” thứ hai bằng cách tiếp tục làm suy yếu cơ sở công nghiệp của các nền kinh tế khác. Và những lời lẽ hiếu chiến – chẳng hạn như tuyên bố vào tháng 3 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, rằng Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu đến cùng” trong “một cuộc thương chiến hoặc bất kỳ loại chiến tranh nào khác” – đã không thể thay đổi được dư luận quốc tế và hoàn toàn không truyền tải được mong muốn lâu dài của giới lãnh đạo Trung Quốc là tránh xung đột bên ngoài.

Giờ đây, chính quyền Trump đang cố gắng cứu vãn tình hình hỗn loạn kinh tế toàn cầu – điều dường như không nằm trong kế hoạch của họ, như nhiều dấu hiệu đã chỉ ra – bằng cách chuyển từ việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu sang một cuộc tấn công trực diện, có mục tiêu hơn, nhắm vào nền kinh tế Trung Quốc. Tập và phần còn lại của giới lãnh đạo Trung Quốc không hề ảo tưởng rằng đất nước họ có thể giành chiến thắng trong cuộc thương chiến với Mỹ. Nhưng họ vẫn sẵn sàng mạo hiểm trong một cuộc chiến mà Trump có thể thua.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện yếu hơn bất kỳ thời điểm nào trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế không yếu đến mức như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent từng nhiều lần tuyên bố, rằng họ đang ở trong một “cuộc suy thoái nghiêm trọng, nếu không muốn nói là khủng hoảng.” Tăng trưởng đã chậm lại từ mức hai con số hàng năm cách đây hai thập kỷ xuống mức gần 10% trong những năm 2010, và hiện tại là khoảng 5% (nhiều người theo dõi Trung Quốc cho rằng con số thực tế gần với 2%, do ĐCSTQ có xu hướng phóng đại).

Nhưng sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không tự động mang lại lợi thế cho Mỹ. Các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng trung bình 1,7% vào năm ngoái, với nền kinh tế Mỹ dẫn đầu ở mức 2,8%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đó đang yếu dần. Công ty dịch vụ tài chính J.P. Morgan đã dự báo tăng trưởng âm của Mỹ trong nửa cuối năm 2025, trong khi dự báo tăng trưởng chính thức của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,6%.

Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với NBC News rằng, “Donald Trump đang mang tăng trưởng về nước Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ đánh cược vào suy thoái. Không có cơ hội nào để suy thoái xảy ra cả.” Những lời phóng đại như vậy, khi được tin tưởng hoàn toàn, đã góp phần khiến chính quyền Trump đánh giá quá cao khả năng thuế quan sẽ buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán. Chiến lược của họ đã phản tác dụng, làm giảm đáng kể khả năng đàm phán trực tiếp mà trong đó Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa. Bắc Kinh đã thể hiện khả năng trả đũa mạnh mẽ và sự cởi mở về mặt chiến thuật đối với đàm phán, nhưng không sẵn lòng cúi đầu.

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang