(VNF) - Ngày 31/7, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất chuẩn lên khoảng 0,25% từ mức trước đó là 0-0,1%, đồng thời vạch ra kế hoạch thu hẹp chương trình mua trái phiếu.
Quyết định tăng lãi suất đầy bất ngờ
Trong một động thái đầy bất ngờ sau cuộc họp chính sách mới nhất, ngày 31/7, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất chính sách lên khoảng 0,25%, từ mức 0-0,1% được đưa ra rồi tháng 3 năm nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của BOJ kể từ năm 2007, đưa lãi suất ngắn hạn lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Quyết định này trái ngược với kỳ vọng của thị trường rằng BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và ra tín hiệu cho thấy ngân hàng này sẵn sàng tăng đều chi phí đi vay lên mức được coi là trung lập với nền kinh tế trong những năm tới.
Nhưng Ngân hàng Nhật Bản cho biết họ kỳ vọng lãi suất thực tế sẽ vẫn ”ở mức âm đáng kể”, đồng thời nói thêm rằng “các điều kiện tài chính thích ứng sẽ tiếp tục hỗ trợ vững chắc cho hoạt động kinh tế”.
Kết quả của cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của BOJ được cả thế giới theo dõi chặt chẽ, vì chỉ vài tuần trước đó, khả năng thắt chặt tiền tệ ở Nhật Bản đã kéo theo sự biến động cực độ về tiền tệ và cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu liên quan đến công nghệ.
Các nhà phân tích cho biết lãi suất cao hơn ở Nhật Bản đe dọa đến hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất, trong đó tiền được vay với giá rẻ bằng đồng yên và đầu tư vào các chứng khoán có lợi suất cao hơn được tính bằng các loại tiền tệ khác.
Sau khi chạm mức khoảng 162 yên đổi 1 USD vào đầu tháng 7, đồng yên đã tăng giá lên khoảng 152 yên trước cuộc họp, trong khi cổ phiếu Nhật Bản và cổ phiếu công nghệ Mỹ đều đang trong đà giảm so với mức cao nhất đã ghi nhận vài tuần trước.
Đồng yên tăng vọt lên mức 151 so với USD ngay sau thông báo nhưng đã giảm trở lại mức 153 trong phiên giao dịch đầy biến động.
Ông Tsuyoshi Ueno, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết: "Hiện tại, đồng yên suy yếu quá mức đã lắng xuống một chút, nhưng nó có thể tái diễn và đẩy giá nhập khẩu lên cao nếu BOJ trì hoãn việc tăng lãi suất".
“Có thể BOJ muốn tránh rủi ro này”, ông Ueno nói thêm.
Lãi suất cao hơn có nghĩa là các doanh nghiệp và hộ gia đình cần phải trả nhiều hơn để vay vốn. Trong khi đó, người tiêu dùng được hưởng lợi từ lãi suất tiền gửi cao hơn đối với khoản tiết kiệm của họ tại Nhật Bản, nơi ưa chuộng tiền mặt.
Các tổ chức tài chính vốn lâu nay chịu ảnh hưởng từ lãi suất thấp có thể sẽ thấy lợi nhuận của mình được cải thiện.
Quyết định của BOJ được đưa ra chỉ vài giờ trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dự kiến Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này, nhưng có thể đưa ra manh mối về việc họ đang tiến gần hơn đến thời điểm giảm lãi suất.
Giảm tốc mua trái phiếu chính phủ
Cùng với quyết định tăng lãi suất, BOJ cũng công bố kế hoạch giảm tốc độ mua trái phiếu chính phủ xuống còn 3.000 tỷ yên (20 tỷ USD), một động thái chuyển hướng sang bình thường hóa chính sách khi quốc gia này đang phải vật lộn với đồng yên suy yếu.
Trước đó, BOJ mua khoảng 6.000 tỷ yên trái phiếu chính phủ mỗi tháng.
BOJ cho biết tốc độ cắt giảm có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của lợi suất trái phiếu, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ thực hiện mua "một cách linh hoạt". Ngân hàng này cũng sẽ xem xét lại kế hoạch mua vào tháng 6/2025.
Kết quả mới nhất rõ ràng phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của BOJ về khả năng đạt được mục tiêu lạm phát 2%, cùng với tăng trưởng tiền lương.
Trong báo cáo mới công bố, ngân hàng trung ương cho biết giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống biến động, hiện dự kiến sẽ tăng 2,1% trong năm tài chính 2025, tăng so với triển vọng trước đó là 1,9%.
BOJ đã cắt giảm triển vọng lạm phát cho năm tài chính 2024 xuống còn 2,5% từ 2,8% trong báo cáo hồi tháng 4, mặc dù con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% được đặt ra. Chỉ số lạm phát chính được dự báo sẽ duy trì ở mức khoảng 2% trong năm tài chính 2025 và 2026.
Các nhà phân tích phần lớn kỳ vọng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách lần này, xét đến sự mong manh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra. Đồng yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu và đe dọa gây tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo Kyodo News, Reuters, Japan Times