10 TIPS PHỎNG VẤN ĐẠI SỨ QUÁN HÀN QUỐC

Tips 1. Chuẩn bị tiếng Hàn

Phỏng vấn Đại sứ quán xin visa du học Hàn Quốc không đơn thuần chỉ là hỏi – đáp mà bạn còn phải làm bài kiểm tra trên giấy. Bài kiểm tra thường có 10 câu dịch Hàn – Việt. Nội dung rất rộng nên việc học mẹo, học tủ hay trang bị không đủ vốn kiến thức sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong quá trình làm bài.

Bài kiểm tra sẽ phản ánh năng lực tiếng Hàn của bạn và để Lãnh sự quán đánh giá khả năng tiếng của bạn đã đủ để du học chưa. Chính vì như thế nên trước khi tham gia phỏng vấn Visa Hàn Quốc bạn cần chuẩn bị vốn tiếng Hàn thật tốt, ít nhất là từ 2 – 3 tháng.

Tips 2. Chuẩn bị trang phục trước

Có nhiều bạn đến ngày phỏng vấn mới tìm trang phục phù hợp để mặc. Điều này khiến bạn mất thời gian lựa chọn và có thể đến trễ, ngoài ra còn khiến bạn cảm thấy không tự tin, thoải mái vì tinh thần gấp gáp, lo lắng. Thay vào đó bạn nên chuẩn bị trang phục từ 1 – 2 ngày hoặc ít nhất là tối hôm trước. Bạn nên ăn mặc lịch sự, tốt nhất là áo sơ mi, quần & váy dài để “ghi điểm” đầu tiên trong mắt người phỏng vấn nhé.

Tips 3. Mang theo giấy tờ cần thiết

Khi tham gia phỏng vấn, bạn sẽ phải mang theo giấy chứng minh nhân dân. Ngoài ra bạn không được mang bất kỳ giấy tờ nào khác vào phòng. Chính vì thế trước khi đi bạn nên kiểm tra thật kỹ xem mình đã mang chứng minh chưa. Vì nếu thiếu CMND, bạn sẽ không được phép tham gia phỏng vấn. Nên tránh những lỗi nhỏ như thế này bạn nhé.

Tips 4. Đến sớm 15 phút

Ở Sài Gòn hay Hà Nội, nhiều tuyến đường kẹt xe dù không phải đang trong giờ cao điểm. Chính vì điều này, bạn nên xuất phát sớm hơn so với dự kiến. Điều này giúp bạn tránh đến trễ giờ phỏng vấn cũng như đủ thời gian để chuẩn bị tinh thần, sửa sang lại đầu tóc, trang phục trước khi vào phỏng vấn. Bên cạnh đó, bạn có thể tranh thủ hỏi han, trò chuyện với những bạn vừa phỏng vấn trước bạn.

Tips 5. Trao đổi với những bạn đã phỏng vấn trước

 

Khi có lịch hẹn của Lãnh sự quán/Đại sứ quán, bạn sẽ biết được khung giờ phỏng vấn của mình. Đến sớm 15 – 30 phút không chỉ giúp bạn sửa sang thật kỹ mà còn là khoảng thời gian để bạn hỏi han, trao đổi với những bạn phỏng vấn ca trước của bạn. Tuy rằng đề phỏng vấn mỗi ca không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên bạn có thể tham khảo mức độ khó – dễ và phần đoạn văn dài trong bài kiểm tra để chuẩn bị tinh thần và tổng hợp lại “vốn kiến thức”.

Tips 6. Chào hỏi lịch sự

Khi gặp người phỏng vấn, bạn nên chào hỏi lịch sự và mỉm cười. Bạn nên bắt đầu buổi phỏng vấn của mình với câu chào (안녕하십니까? / 안녕하세요?: Xin chào)

Tips 7. Không bỏ trống khi làm bài

Khi làm bài kiểm tra, phần dịch sẽ có những từ vựng bạn không biết, bạn có thể dựa trên trực quan để đoán, hoặc thậm chí với những từ bạn không biết phải dịch sang tiếng Hàn như thế nào, bạn có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Việt để thay thế. Tuyệt đối không được bỏ trống bài thi. Vì khi Lãnh sự quán nhìn vào một bài thi bỏ trống quá nhiều, bước đầu họ sẽ đánh giá không cao về bạn. Chính vì thế, dù bạn không chắc về câu trả lời, bạn vẫn nên viết đủ vào phần bài làm.

Tips 8. Không sử dụng tiếng Việt quá nhiều trong phần vấn đáp

Trong phần vấn đáp, đôi khi bạn sẽ không hiểu rõ người phỏng vấn hỏi gì, lúc đó bạn nên yêu cầu họ nói chậm hay lặp lại. Cố gắng sửa dụng tiếng Hàn khi vấn đáp càng nhiều càng tốt, trừ phi câu hỏi quá khó, bạn hoàn toàn không có khả năng trả lời tiếng Hàn mới nên sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên nếu được bạn nên sử dụng tiếng Hàn 100%. Điều này sẽ “ghi điểm” cho phần phỏng vấn của bạn.

Tips 9. Hệ thống phần giới thiệu bản thân

Đôi khi bạn sẽ quá run khi đối diện với người phỏng vấn và quên mất mình phải nói gì. Tuy nhiên phần gần như bắt buộc khi được phỏng vấn là phần giới thiệu bản thân (자기소개). Riêng phần này, bạn cần phải hệ thống lại trong đầu từng phần rõ ràng để không bị sót. 

Tips 10. Thái độ tự tin

Thái độ tự tin trước hết sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy tin tưởng bạn, bên cạnh đó còn giúp bạn cảm thấy buổi phỏng vấn không khó như mình nghĩ và đạt kết quả tốt hơn. Tuy bạn có cảm thấy khá run và căng thẳng khi bắt đầu, tuy nhiên bạn nên tự trấn an mình và không để lộ rõ sự lo lắng ra ngoài. Bạn nên:

  • Chào hỏi trước khi bắt đầu

  • Ngồi nghiêm túc, thẳng lưng

  • Trả lời to, rõ, chậm rãi

  • Có eye-contact với người phỏng vấn

  • Cảm ơn khi buổi phỏng vấn kết thúc.

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang