Cô bé 'làm mẹ' năm 9 tuổi giành học bổng du học Trung Quốc

Cô bé 9 tuổi ngày nào chăm sóc, địu em đến trường sau khi mẹ bị cuốn trôi theo dòng nước xiết,​​​​ giờ là du học sinh Trung Quốc với học bổng toàn phần.

Hoàng Thị Mũ, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối ngành Thiết kế cảnh quan, Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc.

Thời gian này, Mũ ít phải lên lớp mà tập trung cho đồ án tốt nghiệp, dự kiến bảo vệ vào tháng 6/2025. Cô gái đến từ bản Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, đang háo hức lên kế hoạch cho công việc của bản thân và định hướng tương lai cho các em.

"Mình chưa từng nghĩ đi được xa như vậy", Mũ nói.

Một ngày tháng 7/2010, Mũ cùng mẹ và ba em trai trở về từ nhà ông bà ngoại. Đường về nhà phải đi bè mảng qua sông Gâm. Mấy hôm đó mưa nhiều, nước sông chảy xiết, dâng lên cuồn cuộn. Không may, dòng nước lũ xô mạnh vào bè khiến mẹ và một người em ngã xuống sông. Trời tối, lại vắng người không thể kêu cứu, Mũ địu em út trên lưng, ôm người em còn lại khóc vì sợ. Lúc sau, người lái bè đến, đưa ba chị em về nhà.

Từ ngày mẹ mất, bố các em sinh buồn chán, chìm đắm trong men rượu. Ở tuổi lên 9, Mũ phải "làm mẹ" của hai em 5 tháng tuổi và 6 tuổi. Em kể trong nhà có ngô và lúa do vừa xong vụ mùa, vườn sẵn rau mẹ trồng nên có gì ăn nấy. Nữ sinh biết làm nhiều việc vì trước đó thường quan sát mẹ chăm sóc các em.

Hàng tối, em út khóc khát sữa mẹ, Mũ nấu bột ngô loãng cho em ăn. Có hôm không biết làm cách nào dỗ, Mũ đành để em khóc mệt rồi tự ngủ.

"Mình làm mọi việc theo bản năng", nữ sinh kể.

Ngày đó, cô Vy Thị Mỹ mới được phân công về làm hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Ca, nay là điểm trường thuộc Tiểu học Thị trấn Pác Miầu. Học sinh nghỉ nhiều nên giáo viên chủ nhiệm phải đi vận động các em đến trường. Một ngày, các cô đến nhà Mũ, nói học trò có thể mang em đến lớp.

"Mũ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn. Cô bé thoăn thoắt quấn và địu em sau lưng, đi bộ 2 km đường dốc núi từ nhà đến trường", cô Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội khuyến học huyện Bảo Lâm, nhớ lại.

5-6h hàng ngày, Mũ dậy sửa soạn, chuẩn bị đồ ăn cho các em trước khi cùng nhau đến trường. Các giáo viên có món gì ăn sáng cũng mang thêm cho ba chị em. Cô Mỹ đi xin được vài hộp bột ăn liền cho em út của Mũ. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm quấy bột cho em bé rồi cùng các cô khác thay phiên nhau bế cho Mũ học.

Cô Mỹ cho hay khi ấy, trường chưa có bếp ăn bán trú nên học sinh thường phải gói cơm mang đi. Thương học trò, các cô góp tiền, mang rau, thức ăn ở nhà; xin thêm mì tôm, mỡ của nhà hàng để nấu bữa trưa cho các em. Sau này có chế độ ăn bán trú, học sinh đến trường được ăn no, từ đó mới đi học đều.

Mũ xem các cô như người thân, có khó khăn gì đều nhờ giúp đỡ. Có lần, em út bị bỏng hay chó cắn, Mũ được cô giáo hướng dẫn vệ sinh và đưa đến viện điều trị. Nhiều nhà hảo tâm cũng hỗ trợ, tiếp thêm động lực để em đi học.

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang