Đặc trưng cơ bản trong văn hóa giao tiếp của người Hàn Quốc

1. Văn hóa chào hỏi

Người Hàn Quốc đặc biệt coi trọng văn hóa chào hỏi, đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng riêng của họ.

Cách chào hỏi của người Hàn Quốc, điều đầu tiên, người Hàn sẽ cúi đầu hoặc gật đầu nhẹ. Cái cúi đầu này để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với những người lớn tuổi hơn hoặc người có địa vị cao hơn mình.

Trong cách chào của người Hàn Quốc, sau khi kết thúc việc cúi đầu chào, họ thường nói những câu nói quen thuộc như 안녕하세요 [Annyeonghaseyo]/ 안녕하십니까 [annyeonghashimnika] có ngĩa là “Xin chào, bạn có khỏe không?” hoặc 감사합니다 [gamsahamnida] có nghĩa là “Xin cám ơn”.

Tư thế cúi đầu “chuẩn Hàn Quốc” là đứng thẳng, phần đầu gối khép lại với nhau và cúi thấp người từ phần eo – thắt lưng trở lên. Nhớ là vừa cúi đầu chào vừa kèm theo một nụ cười tươi nhé!

Khi một người khác cúi đầu chào bạn, bạn nhất định không được quên cúi đầu chào lại đâu đấy, trừ khi bạn có vị trí cao hơn hoặc là bậc trưởng bối của đối phương. Tuy nhiên, những người bạn thân của nhau sẽ hiếm khi cúi đầu chào nhau trừ khi khoảng cách tuổi tác của họ cách xa hoặc họ đang ở những nơi công cộng, trang nghiêm.

Trong trường hợp gặp gỡ đối tác, bạn bè mà cần trao danh thiếp, người Hàn Quốc sẽ vừa cúi đầu chào nhau vừa trao – nhận danh thiếp bằng hai tay. Hoặc trong trường hợp, cần bắt tay với đối tác thì chúng ta thực hiện cùng lúc hai hành động bắt tay và cúi chào. Nhưng có một điều đặc biệt trong văn hóa chào hỏi của người Hàn Quốc đó là người phụ nữ không bao giờ là người chủ động bắt tay trước.

Ngày nay, thông qua sự du nhập của văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội hiện đại mà những người trẻ Hàn Quốc thường vẫy tay chào bạn bè, đồng nghiệp thay cho việc cúi đầu chào.  

Bạn lưu ý là khi chào hỏi thì không nên gọi tên của đối phương nếu họ không cho phép điều đó. Đây là một trong những điều mà mà chúng ta nhất định phải ghi nhớ khi nói chuyện với người Hàn Quốc.

 

2. Văn hóa giao tiếp ứng xử

 

Người Hàn Quốc sử dụng kính ngữ ở bất kì nơi đâu hay trong bất kì hoàn cảnh nào. Đó là sự tinh tế đã ghi sâu vào tiềm thức của mỗi người và là một nét đẹp văn hóa truyền thống Hàn Quốc được giữ gìn và lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Cách nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình hoặc có cấp bậc cao hơn mình của người Hàn Quốc là nói chuyện với tông giọng nhỏ, dễ gần; đồng thời hơi cúi mình xuống để người đối diện không phải ngước lên để nhìn mình.

Khi xưng hô, họ luôn khiêm tốn, đề cập tới bản thân với tư cách là người có vị trí thấp hơn. Gặp người lớn tuổi, bạn nên dành một chút thời gian hỏi thăm tình hình của họ bằng các câu hỏi liên quan đến sức khỏe, hay những câu khen ngợi về trang phục của họ. Đây là cách giao tiếp với người lớn trong cuộc sống hằng ngày của người Hàn.

3. Văn hóa tiền bối – hậu bối

Người Hàn Quốc rất coi trọng cấp bậc trong một tập thể. Những người đi trước, người thuộc thế hệ trước sẽ được gọi là tiền bối còn những người thuộc thế hệ sau sẽ được gọi là hậu bối.

Văn hóa tiền bối – hậu bối đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của từng người dân xứ sở kim chi. Nét văn hóa này được thể hiện rõ nét nhất trong các trường học hay công sở. Hậu bối là người luôn phải nghe theo lời của tiền bối và tiền bối là người phải có trách nhiệm dìu dắt và giúp đỡ hậu bối.

4. Văn hóa đi nhậu

Dù cho bạn có không uống được rượu thì khi người lớn mời rượu bạn, bạn cũng không nên từ chối. Thay vào đó, bạn có thể xin phép dùng nước ngọt thay cho rượu để đáp lễ để thể hiện sự tôn trọng với người mời bạn.

Ở Hàn Quốc, có một điều cấm kỵ trên bàn nhậu đó chính là tự rót rượu cho mình. Trong buổi nhậu, bạn sẽ là người rót cho đối phương và họ cũng sẽ đáp lễ bằng cách rót lại cho bạn. Khi rót rượu cho người lớn tuổi, người có vai vế cao hơn, bạn cần rót rượu bằng 2 tay hoặc một tay rót rượu, một tay để lên phía trên ngực. Khi uống rượu hay bất kỳ thứ đồ uống nào với người lớn, bạn phải quay mặt đi chỗ khác.

Danh mục tin
Tags

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang