Mê xem phim, đọc truyện cổ Trung Quốc từ nhỏ giúp Bảo Anh giành giải thưởng ở nhiều cuộc thi, trúng tuyển học bổng toàn phần để theo học Đại học Bắc Kinh.
Trương Bảo Anh, cựu học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, giành học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) hồi cuối tháng 7. Nữ sinh hiện là sinh viên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của Viện Xã hội, Đại học Bắc Kinh. Theo xếp hạng đại học QS 2025, trường đứng thứ 14 thế giới và số một Trung Quốc.
Gần ba tuần kể từ khi nhập học, Bảo Anh chưa nguôi nỗi nhớ nhà, ngày nào cũng gọi về cho mẹ. Nữ sinh vẫn đang làm quen với cách học ở môi trường mới. Xác định tâm lý sẽ có những khoảng cách về kiến thức với các sinh viên bản địa, nhưng khi học cùng, Bảo Anh mới thấy rõ sự khác biệt.
Nữ sinh cho biết các bạn được học rất sâu văn học, lịch sử từ năm cấp ba. Dù đọc nhiều sách truyện tiếng Trung từ nhỏ, Bảo Anh vẫn thấy choáng ngợp, cảm thấy chưa hiểu sâu. Vì thế, em phải tìm đọc nhiều sách, tài liệu về các triều đại lịch sử, cũng như các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc.
"Em khá áp lực", nữ sinh nói.
Học kỳ đầu, Bảo Anh tính vừa làm quen, vừa trải nghiệm nên đăng ký 14-15 trong tổng số 25 học phần. Tuy nhiên, thấy không khí học tập quyết liệt, các bạn học ở thư viện hay bất cứ đâu trong khuôn viên đến tận đêm, hầu hết đăng ký 22 học phần trở lên, em thấy sốt ruột.
"Em sau đó cũng đăng ký tăng lên thành 20", Bảo Anh kể.
Ngoài giờ học, em tranh thủ đọc, ghi chép và hầu như ở thư viện đến 21-22h mới về ký túc xá. Thời gian đi chơi hay gặp gỡ bạn bè Việt Nam cùng trường cũng hạn chế vì bận bài vở.
Bảo Anh cho hay tiếp cận với ngôn ngữ Trung Quốc từ năm 3-4 tuổi, khi còn sống ở Hòa Bình. Ngày đó, em và mẹ - một phiên dịch viên tiếng Trung, thường xem phim Tây Du Ký, Hoàn Châu cách cách... Mê các "cách cách", Bảo Anh còn đòi mẹ cắt tóc cho giống nhân vật.
Mẹ cũng mua cho Bảo Anh nhiều sách văn học, truyện, thơ ca tiếng Trung. Ở nhà, mẹ thường nói tiếng Trung với em, kể cho nghe những điển tích, điển cố và giải thích ý nghĩa của từ ngữ. Em có thể nghe, hiểu và nói một số câu đơn giản.
"Em thấy tiếng Trung hay. Một số từ chỉ cần nghe đã có thể tưởng tượng được ra ý nghĩa", nữ sinh nhớ lại.
Ngoài đọc, Bảo Anh cũng xem phim và các chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc. Suốt những năm cấp 1, 2, Bảo Anh học nghe, nói bằng cách này.
Sau khi thi đỗ lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Bảo Anh từ Hòa Bình xuống Hà Nội sống cùng mẹ. Lúc này, em mới thực sự học bài bản và chuyên sâu về tiếng Trung. Nữ sinh tham gia các cuộc thi học thuật và giành nhiều giải thưởng.
Năm lớp 10, em đạt giải nhất cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ khu vực miền Bắc và miền Trung, giải nhì Olympic tiếng Trung của Đại học Quốc gia Hà Nội, top 6 thi tranh biện Hán ngữ do trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Một năm sau, Bảo Anh giành giải nhì học sinh giỏi quốc gia và giải ba Nhịp cầu Hán ngữ thế giới.