Giáo dục ĐH Hàn Quốc được đánh giá hằng năm
Năm 2023 ghi nhận có 43.631 người Việt du học Hàn Quốc, chiếm khoảng 23,8% số sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tập tại quốc gia này. Đây là số liệu do ông Shin Choong Il, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, nêu ra trong hội thảo du học Hàn Quốc sáng 16.9 tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM.
"Tương tự Việt Nam, Hàn Quốc là một quốc gia rất quan tâm và đầu tư cho nền giáo dục. Đặc biệt, ngày càng nhiều sinh viên Việt chọn Hàn Quốc là điểm đến du học và phát triển thành nhân tài toàn cầu", ông Shin Choong Il nhận định.
Theo ông Shin Choong Il, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thường xuyên quản lý các trường ĐH nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Quá trình này sẽ được tiến hành hàng năm, bao gồm đánh giá các trường ĐH được chính phủ hỗ trợ tài chính, và đánh giá hệ thống chứng nhận năng lực quốc tế hóa giáo dục. Theo các báo cáo quốc tế, Hàn Quốc còn là môi trường an toàn nhất thế giới và có nền kinh tế thuộc tốp 10 thế giới.
Ông Shin Choong Il cũng dẫn lại phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol khi đến thăm Việt Nam vào tháng 6.2022 rằng sẽ hỗ trợ việc trao đổi cho các thế hệ tương lai giữa Việt Nam và Hàn Quốc. "Sự giao lưu các thế hệ tương lai sẽ trở thành nền tảng để phát triển hơn nữa mối quan hệ hai nước sau này", ông Yoon Seok Yeol chia sẻ vào thời điểm đó.
Du học sinh Việt được lợi từ nhiều chính sách mới
Xu hướng du học Hàn Quốc ngày càng phát triển tại Việt Nam, một phần đến từ việc chính phủ Hàn Quốc đang "nới rộng" nhiều chính sách ở lĩnh vực giáo dục quốc tế. Cụ thể, bà Hồ Thị Kim Ly, Giám đốc YK Education, cho biết Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây đã chấp nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời đối với du học sinh Việt vừa tốt nghiệp chứ không còn bắt buộc có bằng chính thức.
"Điều này giúp học sinh Việt có thể đăng ký du học Hàn Quốc ngay trong kỳ mùa đông sắp tới, tức vào tháng 12.2023. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý quy định mới chỉ có hiệu lực đến ngày 31.10 và chưa biết liệu có được tiếp tục được gia hạn không. Nguyên nhân có thể là vì Hàn Quốc mặc định sau ngày 31.10 các bạn đều sẽ có bằng tốt nghiệp THPT chính thức nên không cần phải chấp nhận giấy tạm thời nữa", bà Ly lý giải.
Cũng theo nữ giám đốc, một "điểm sáng" mới đối với du học sinh Việt đang học tập tại Hàn Quốc là từ tháng 9 năm nay, chính phủ nước này chính thức nâng thời hạn thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp (D10) với tất cả chuyên ngành, lên 3 năm thay vì 2 năm như trước.
Chia sẻ thêm, bà Bùi Thị Tâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH YT KOREA, cho biết Hàn Quốc đã áp dụng loại thị thực mới ở những khu vực cần thu hút nguồn nhân lực (F2-R) trong năm 2023, giúp du học sinh Việt tăng đến 5 năm làm việc. Thị thực này đa phần ưu tiên khu vực nông thôn, tuy nhiên cũng có thể áp dụng tại thành phố lớn. Chẳng hạn, TP.Busan lớn thứ 2 tại Hàn Quốc có ba quận cho phép sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực này.
"So với trước đây, chính phủ Hàn Quốc cũng có nhiều ưu đãi hơn dành cho du học sinh sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, thị thực tay nghề kỹ thuật cao (E7) từng bó hẹp trong một số chuyên ngành nhất định liên quan đến kỹ thuật, nay mở rộng thêm nhiều ngành khác. Ngoài ra, du học sinh Việt cũng có thể chuyển sang thị thực lao động phổ thông (E9) để đi làm", bà Tâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ giám đốc cho hay Hàn Quốc đã thay đổi yêu cầu tối thiểu về chứng minh tài chính từ tháng 6.2023. Từ bắt buộc có số dư tiết kiệm ở mức 10.000 USD (240 triệu đồng) đối với khóa học tiếng Hàn, nay du học sinh Việt chỉ cần có 10 triệu won (182 triệu đồng) khi đăng ký học ở các trường tại Seoul, và 8 triệu won (145 triệu đồng) đối với những trường thuộc khu vực khác.
"Đây là chính sách thu hút sinh viên quốc tế trong bối cảnh dân số Hàn Quốc giảm, kéo theo sinh viên bản địa cũng giảm khiến các trường thiếu người học", bà Tâm lý giải thêm.