Hàn Quốc chật vật trong bài toán khuyến sinh

Chính phủ chi hàng tỷ USD để xoay chuyển xu hướng dân ngại đẻ, song tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc tiếp tục suy giảm, đưa nước này vào tình thế "khẩn cấp quốc gia".

Tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công bố kế hoạch thành lập một cơ quan hành chính mới để giải quyết tình trạng "khẩn cấp quốc gia" - tỷ lệ sinh thấp báo động. Để khắc phục các vấn đề đã tồn tại thời gian dài như giá nhà ở, học phí cao và giờ làm việc dài, ông Yoon cam kết tăng chế độ thai sản cho các gia đình, kéo dài thời gian nghỉ phép cho cha, thiết lập lịch làm việc linh hoạt và giảm học phí cho trẻ em.

Quyết định đưa ra sau khi số liệu công bố vào tháng 2 cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Năm 2022, Cục Thống kê Quốc gia báo cáo tỷ lệ 0,78 - tức là 78 trẻ trên mỗi 100 phụ nữ. Con số giảm xuống còn 0,72 vào năm 2023, dự đoán sẽ giảm sâu hơn, xuống 0,68 vào năm 2024.

Không tính đến người nhập cư, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2,1 để duy trì số dân ổn định - tốc độ gấp ba lần so với dự báo của Hàn Quốc năm nay.

"Song hành với tỷ lệ sinh thấp kéo dài là dân số già. Quốc gia có thể không đủ nguồn lực chăm sóc nhóm nhân khẩu này khi quy mô lao động thu hẹp", tiến sĩ Megan Huchko, bác sĩ sản phụ khoa và giám đốc Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Toàn cầu tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina cho biết.

Vì sao tỷ lệ sinh Hàn Quốc quá thấp?

Huchko chỉ ra nhiều yếu tố khiến tỷ lệ sinh nước này thấp kỷ lục. Lý do đầu tiên là thị trường lao động cạnh tranh và khoảng cách lương theo giới lớn nhất trong 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Tuy nhiên, chênh lệch lương chỉ là yếu tố nhỏ. Phụ nữ Hàn Quốc quyết định không sinh con vì thời gian làm việc dài nổi tiếng, khó khăn trong tìm kiếm nhà ở giá rẻ, đặc biệt là tại Seoul và tỷ lệ kết hôn giảm. Rất nhiều ngành nghề tại Hàn Quốc yêu cầu nhân viên tăng ca, tạo rào cản khi phải cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái.

Sinh con ở Hàn Quốc cũng có một số ràng buộc tương đối đặc biệt, Jennifer Sciubba, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Population Reference Bureau tại Washington, cho biết. Ví dụ, giáo dục tại nước này cực kỳ đắt đỏ, đôi khi khiến các gia đình ngần ngại sinh thêm con.

Dù Hàn Quốc cho phép cả bố và mẹ nghỉ thai sản, ít nam giới và phụ nữ tận dụng chế độ này vì kỳ vọng của nhà tuyển dụng trong văn hóa làm việc áp lực, Sciubba cho biết. Rất ít trẻ em được sinh ngoài hôn nhân, bà nói thêm, vì vậy tỷ lệ kết hôn giảm kéo theo giảm tỷ lệ sinh con.

Một số nhà bình luận cho rằng xu hướng sinh đẻ của Hàn Quốc liên quan đến một phong trào nữ quyền cấp tiến, bắt đầu từ năm 2019. Những người ủng hộ phong trào 4B (4 Không) từ chối bốn chuẩn mực truyền thống: hẹn hò với nam giới, kết hôn, quan hệ tình dục với nam giới và có con. Phong trào này đã thu hút khoảng 3.400 thành viên trên Naver, diễn đàn trực tuyến phổ biến nhất tại Hàn Quốc.

Số ca sinh cũng có xu hướng giảm ở các quốc gia phát triển khác, như Mỹ. Tỷ lệ sinh nước này là 1,62 trẻ mỗi phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn 2% so với năm 2022. Đây là mức thấp lịch sử, theo dữ liệu Trung tâm Thống kê Sức khỏe Quốc gia - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh công bố vào tháng 4.

"Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu", Hugo Jales, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, New York, cho biết.

Ông đã xuất bản một báo cáo vào tháng 12/2021 trên Tạp chí Kinh tế Châu Á về chương trình thưởng sinh con của Hàn Quốc. Kiểm tra tác động của chính sách này, Jales và đồng tác giả nhận thấy hơn 74% số tiền chương trình chi trả là dành cho những gia đình sẽ sinh con ngay cả khi không có khuyến khích tài chính.

Cú hích của chính sách khuyến sinh

Sau khi bãi bỏ các quy định hạn chế sinh sản vào cuối những năm 1970, Hàn Quốc không thực hiện bất kỳ chính sách khuyến sinh nào cho đến thiên niên kỷ mới, Wookun Kim, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Southern Methodist ở Dallas cho biết. Năm 2001, chính quyền địa phương tại mới bắt đầu triển khai các khoản tiền thưởng cho các gia đình có con.

Đến 2012, những chương trình như vậy trở nên phổ biến. Chúng được quảng bá mạnh mẽ, nâng cao nhận thức thông qua các thông báo công khai, áp phích trên đường phố, tờ rơi và thư từ.

Sau đó, vào năm 2024, chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở rộng biện pháp khuyến sinh, tăng thời gian nghỉ phép cho cha mẹ và chương trình phúc lợi nhà ở cho các gia đình có trẻ sơ sinh. Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng tỷ lệ sinh của đất nước, theo Korea Times.

Các quan chức kỳ vọng tăng khoản trợ cấp hàng tháng lên 1 triệu won (770 USD) cho các hộ gia đình có trẻ dưới 1 tuổi, 50.000 won cho những hộ có trẻ từ 1 đến 2 tuổi.

"Hầu hết người dân không nghĩ đến việc có con (hoặc có thêm con). Do đó, để khiến ai đó thay đổi hành vi, cần các biện pháp khuyến sinh lớn. Các phần thưởng sau sinh chắc chắn không đủ để thay đổi lựa chọn của hầu hết gia đình", phó giáo sư Jales nói với.

Nhiều quốc gia như Canada, Hungary, Nhật Bản, Ba Lan và Mỹ đã thực hiện chính sách khuyến sinh "để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng dân số già", báo cáo lưu ý. Các chính sách này bao gồm tăng thời gian nghỉ thai sản, giảm các loại thuế liên quan đến trẻ em và tăng trợ cấp chăm sóc trẻ em. Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng 28% quốc gia có chính sách khuyến sinh vào năm 2015, gần gấp đôi so với 15% vào năm 2001.

Các giải pháp mang tính chiến lược

Dù mang tính hỗ trợ phụ nữ và cặp đôi, các chương tình khuyến sinh chỉ có mục đích duy nhất là tăng số trẻ em, thay vì chăm lo dài hạn cho các bậc cha mẹ, Sarah Barnes, giám đốc sáng kiến sức khỏe bà mẹ tại Wilson Center, tổ chức nghiên cứu được quốc hội Mỹ tài trợ, nhận định.

"Nghiên cứu cho thấy tác động của chúng ngắn hạn. Cuối cùng, số lượng trẻ sơ sinh cũng không tăng. Tuy nhiên, chúng ảnh hưởng đến thời gian phụ nữ quyết định sinh con", bà Barnes nói.

Một nhược điểm khác là giới chức đề ra chính sách khuyến sinh mà không tham khảo ý kiến của phụ nữ, Heather Barr, phó giám đốc quyền phụ nữ tại Human Rights Watch, tổ chức phi chính phủ quốc tế tại New York, cho biết.

Các biện pháp khuyến khích tài chính ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến quyết định trọn đời của người dân. Họ không được đảm bảo về sự nghiệp sau sinh, cũng không biết người chồng sẽ tham gia bao nhiêu phần vào việc chăm sóc con cái.

"Điều đáng chú ý là tỷ lệ sinh dường như đặc biệt thấp ở những nơi phụ nữ có điều kiện giáo dục tốt, cơ hội việc làm sáng và được tiếp cận các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với mức độ bất bình đẳng giới rất sâu sắc", Barr chỉ ra thêm.

Nói cách khác, xã hội vẫn kỳ vọng họ phải chăm sóc cả gia đình và có sự phân biệt đối xử với các bà mẹ. Khoảng cách giới trong việc chăm con tại Hàn Quốc cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Phụ nữ dành trung bình 54 phút mỗi ngày để chăm con và cha mẹ già (không được trả lương), trong khi nam giới chỉ dành 17 phút.

Tỷ lệ sinh thấp kèm tuổi thọ cao nhất thế giới (83,8 tuổi) khiến vấn đề thêm phần phức tạp. Việc duy trì lương hưu cho người lao động sẽ tốn kém hơn nhiều so với thế hệ trước, Jales nói thêm.

Theo tiến sĩ Barnes, Hàn Quốc nên có các chính sách tập trung vào bình đẳng giới, cải thiện cuộc sống, điều kiện giáo dục và việc làm cho phụ nữ. Những ưu đãi ngoài việc sinh đẻ sẽ hiệu quả hơn nỗ lực khuyến sinh thông thường. Giới chức nên đề ra lịch làm việc linh hoạt, tăng cường sự tham gia của nam giới trong các cuộc thảo luận về sinh con, hỗ trợ tài chính kéo dài qua giai đoạn mang thai và thời thơ ấu của trẻ.

"Hàn Quốc mất nhiều thập kỷ để khiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức cực thấp, vì vậy đảo ngược xu hướng này đòi hỏi cam kết dài hạn", ông Kim nhận xét.

Danh mục tin
Tags

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang