Giá vàng tăng cao khiến nhiều người trẻ nấu chảy vàng thỏi, đồ gia truyền bằng vàng để chế tác trang sức.
Trong ngôi nhà ở tỉnh Hồ Bắc, vlogger Wumeng dùng đèn khò đun nóng một nắm đậu vàng đặt trong khuôn thạch cao. Trên ngọn lửa xanh, những hạt đậu vàng tan chảy thành chất lỏng. Anh tiếp tục đặt khuôn vào cốc nước lạnh khiến thạch cao tan chảy, một chiếc nhẫn vàng hình con bướm dần xuất hiện.
Đoạn video ghi lại quá trình chế tác trang sức này thu hút 140.000 lượt thích. Các video tương tự của Wumeng về chế tác kim hoàn nhận nhiều sự quan tâm
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag "làm đồ kim hoàn tại nhà" đạt 40 triệu lượt xem. Các video trên Douyin tạo hình chiếc nhẫn tối giản, vòng tay của nhân vật hoạt hình "Na tra" nhận 3 tỷ lượt xem.
Thời gian gần đây, thanh niên Trung Quốc ngày càng quan tâm đến vàng vì mức giá tăng vọt và liên tục lập đỉnh. Từ năm 2024, nhiều người thuộc Gen Z và Gen Y quan tâm đến đầu tư vàng.
Một phần của trào lưu chế tác vàng là "tinh thần guochao" (ưu tiên tiêu dùng hàng trong nước). Theo Hội đồng Vàng Thế giới, khách hàng Trung Quốc ở độ tuổi 18-34 tạo ra hơn 1/3 doanh số bán trang sức vàng trong năm 2024.
Cổ phiếu của Lao Pu Gold, công ty hoàn kim thủ công Trung Quốc, tăng 10% vào tháng 1, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều người tiêu dùng chấp nhận xếp hàng 8 tiếng để mua sắm tại các cửa hàng vàng ở Bắc Kinh.
Gen Z và Gen Y hiểu biết về tài chính, muốn trải nghiệm những điều mới lạ, là đối tượng chính hưởng ứng trào lưu chế tác trang sức vàng. Họ mong muốn nhìn thấy sự biến đổi của những chiếc vòng tay cũ kỹ, bám bụi hay vàng thỏi xỉn màu thành các tác phẩm nghệ thuật mới, bóng bẩy và độc nhất.