Phong tục đón Tết trung thu ở Trung Quốc khá đa dạng và có những nét riêng so với các nước Đông Á khác. Cùng tìm hiểu những hoạt động đặc sắc và thú vị vào dịp lễ hội quan trọng này ở đất nước đông dân nhất thế giới nhé.
Vào ngày 15/8 Âm lịch, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tổ chức ngày Tết Trung thu rất hoành tráng, mang ý nghĩa và giá trị văn hóa - lịch sử khác nhau nhưng đều hướng đến những điều tốt đẹp chung. Nhất là đối với người Trung Quốc, Trung thu được xem là ngày Tết quan trọng chỉ sau Tết Nguyên Đán.
Ngày Tết truyền thống quan trọng với người dân Trung Quốc.
Nguồn gốc của những phong tục đón Tết trung thu ở Trung Quốc
Nhìn chung thì ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau, có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có một số điểm khác biệt để phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của từng quốc gia. Vượt qua những điều đó thì ngày lễ Tết cổ truyền này mang ý nghĩa là một dịp vô cùng quan trọng để người thân trong gia đình dù ở xa đến đâu, cũng sẽ về quây quần bên nhau, cùng đoàn viên, dùng chung một bữa cơm sum họp dưới ánh trăng rằm tháng 8 Âm lịch.
Phong tục đón Tết trung thu của người dân Trung Quốc từ xưa đã được gắn liền những đến truyền thuyết về chuyện tình của Hằng Nga và Hậu Nghệ. Tương truyền rằng thời cổ đại, khi Trái đất có đến 10 mặt trời, khiến thế giới phải gánh chịu hạn hán khủng khiếp. Do vậy mà Ngọc Hoàng ra lệnh cho Hậu Nghệ đi bắn hạ chín mặt trời, cứu sống muôn loài. Và để thưởng công, Người đã ban cho chàng một viên thuốc bất tử. Hậu Nghệ mang nó về nhà đặt trong một chiếc hộp, định sau này sẽ chia sẻ với người vợ xinh đẹp của mình là Hằng Nga. Nhưng vào một ngày nọ, biến cố ập đến khi người vợ tò mò mở chiếc hộp và nuốt viên thuốc rồi nàng bay lên tận trời cao và cuối cùng hạ xuống Mặt Trăng vì thuốc quá mạnh. Khi Hậu Nghệ vừa về nhà phát hiện mọi chuyện thì đã quá muộn. Từ đó đôi vợ chồng cách biệt nhau mãi. Hằng Nga chỉ biết làm bạn với một chú thỏ ngọc cũng đang sống trên cung trăng với mình.
Trung thu Trung Quốc gắn liền với truyền thuyết Hằng Nga - Hậu Nghệ. Ảnh: vntrip.vn
Một giả thuyết khác về nguồn gốc phong tục đón Tết trung thu Trung Quốc lại liên quan đến nàng Dương Quý Phi thời nhà Đường - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại. Nhân gian truyền rằng sau khi vua Đường Huyền Tông bị buộc phải ban cho vị phi tử của mình dải lụa trắng để nàng tự sát nhằm làm yên lòng quân thì vua quên ăn quên ngủ và tiếc thương vô hạn người ngọc. Đến mức các tiên nữ cũng phải động lòng thương xót nên cho phép vua được lên trời gặp lại Dương Qúy Phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, tức là ngày rằm tháng Tám Âm lịch hằng năm. Từ đó, vua đặt ra Tết Trung thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi mất sớm của mình.
Phong tục đón Tết trung thu ở Trung Quốc bao gồm những gì?
Trung thu được xem là một trong những ngày Tết truyền thống quan trọng bậc nhất đối với người dân Trung Quốc, chỉ xếp sau Tết Nguyên đán. Trong đêm rằm sáng nhất năm này, họ có rất nhiều hoạt động sôi nổi và đặc sắc như sum họp gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên rồi cùng nhau ngắm trăng, rước đèn, xem múa lân và thưởng thức bánh trung thu. Ngoài ra, còn có cho những hoạt động khá thú vị đã xuất hiện từ xa xưa như: tế trăng, thả đèn hoa đăng, thưởng rượu và giải câu đố.
Phong tục đón Tết trung thu Trung Quốc khá đa dạng và có những nét riêng. Ảnh: @pan_ying_yu
Có thể nói phong tục đón Tết Trung thu ở Trung Quốc có những đặc trưng riêng ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương. Tất cả làm nên nét đẹp về phong tục và văn hóa của quốc gia này. Chúng ta cùng tìm hiểu xem người Trung Quốc đón ngày Tết này như thế nào nhé!
Trung thu là Tết đoàn viên, sum vầy
Trong phong tục truyền thống của người Hoa thì ngày Tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Bởi vì đây là dịp lễ hiếm hoi trong năm mà mọi thành viên trong gia đình trở về, tụ họp với nhau. Dù đang làm ăn ở đâu và xa xôi đến mấy, họ cũng sắp xếp về quê để gặp lại gia đình, họ hàng và quan trọng là cùng ăn bữa cơm đoàn viên.
Sau bữa cơm, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi lại cùng nhau để thưởng nguyệt (ngắm trăng) và cùng ăn những chiếc bánh trung thu xinh xắn dưới ánh đèn lồng lung linh, bên trên là vầng trăng tròn vành vạnh.
Ngày Tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Ảnh: Thestars, QQ
Một hoạt động khác không thể thiếu được trong khoảnh khắc đoàn viên vào dịp Trung thu của người Hoa, là rước đèn lồng và đặc biệt là múa rồng lửa. Người dân Trung Quốc tin rằng rồng lửa là linh vật mang lại nhiều may mắn và an lành tới mọi gia đình. Họ còn thích treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp lễ long trọng này. Bên cạnh đó, còn có lễ rước đèn cho trẻ em với màn múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa náo nhiệt trên phố.
Ngắm trăng
Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã có phong tục ngắm trăng vào đêm trung thu. Các ghi chép lịch sử vào đời Chu đã đề cập rất nhiều vào buổi lễ tế thần mặt trăng vào đêm trăng tròn và sáng nhất năm để chào đón mùa đông. Người ta bày rất nhiều thứ bánh Trung thu, dưa hấu, táo và nho trên bàn lễ.
Ngắm trăng là hoạt động được giới trẻ yêu thích trong dịp Tết trung thu.
Đến thời Đường - Tống, việc thưởng nguyệt, ngắm trăng trong đêm đoàn viên càng trở nên thịnh hành nên người ta còn gọi Trung thu là Tết ngắm trăng. Ngày nay, vào dịp Tết Trung thu, hầu hết người dân Trung Hoa sẽ cùng nhau đổ ra đường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt của đêm trăng trằm. Họ xem lúc mặt trăng lên cao và tròn nhất là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng, biểu hiện sự tròn đầy, viên mãn và đẹp nhất của đất trời nên càng không thể bỏ lỡ.
Người Trung Quốc thường treo lồng đèn Trung thu với màu đỏ chủ đạo - biểu tượng của sự may mắn.
Ăn bánh Trung thu
Một trong những phong tục đón Tết Trung thu ở Trung Quốc còn được truyền đến ngày nay là phá cỗ đêm trăng. Ban đầu, những chiếc bánh trung thu trong mâm cỗ được xem là vật cúng tế thần mặt trăng, mãi đến sau này người t mới ăn bánh ngay trong đêm Trung thu cùng gia đình và ngắm trăng vì những hành động này tượng trưng cho sự đoàn viên, sum vày. Càng ngày, mâm cỗ bánh trung thu của người Trung Quốc càng có sự đa dạng và độc đáo hơn với đủ loại bánh ngon, thể hiện nét đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa.
Bánh Trung thu được coi là biểu tượng của sự đoàn tụ gia đình.
Trong số các loại bánh thì nổi bật nhất là bánh Trung thu hình tròn với hoa văn đẹp mắt bên trên để biểu thị cho sự viên mãn, tròn đầy. Các nghệ nhân làm bánh lành nghề đã nghiên cứu rất kỹ càng nhân bánh, vỏ bánh và làm nên món ăn Trung thu tinh tế, thanh nhã không chỉ được người dân trong nước yêu thích mà còn mê hoặc bao du khách phương xa, khi đi du lịch Trung Quốc đúng vào dịp đặc biệt này.
Người Trung Quốc thường tặng cho nhau những hộp bánh trung thu đẹp mắt vào dịp này.
Bánh trung thu ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với bánh ở Việt Nam với lớp vỏ làm mỏng vừa phải, bên trong có nhân thập cẩm hoặc đậu xanh, hạt sen, trứng muối và được nướng chín vàng đều. Không chỉ có phần nhân bánh thơm ngon, đậm đà mà vỏ bánh còn được in thành nhiều hình thù cầu kỳ bắt mắt như Hằng Nga bay lên cung trăng, tam đàn ấn nguyệt, đêm trăng ngân hà,...
Tế trăng
Đây là phong tục đón Tết trung thu Trung Quốc có từ thời cổ đại. Hoạt động này bắt nguồn từ câu chuyện diễn ra ở nước Tề. Tương truyền có một cô gái mang dung mạo xấu xí nhưng tài đức xuất chúng từ nhỏ và đặc biệt là cô rất thành kính cầu khấn thần mặt trăng. Vì vậy mà khi trưởng thành, cô được tuyển vào cung nhưng không được sự sủng ái của nhà vua. Vào một đêm rằm tháng 8, nhà vua gặp cô khi đi dạo dưới ánh trăng đẹp nhất năm và cảm nhận được vẻ đẹp của cô bèn phong làm Hoàng hậu. Từ đó, các thiếu nữ bắt đầu cúng trăng vào ngày Tết Trung thu để cầu mong mình có được vẻ đẹp thanh cao thuần khiết như nàng Hằng Nga hay người con gái nước Tề xưa kia.
Tế trăng là phong tục đón Tết trung thu có từ thời cổ đại ở Trung Quốc.
Thả đèn cầu an
Vào đêm 15 tháng 8 Âm lịch, người Trung Quốc còn thả đèn trên sông hoặc thả đèn lồng Khổng Minh bay lên trời để cầu mong may mắn, ước muốn hạnh phúc đến với bản thân, gia đình và bạn bè.
Việc thả đèn xuống sông chính là một phong tục đón Tết Trung thu ở Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thiếu nữ và các em nhỏ. Theo đó, họ sẽ dùng giấy dầu để làm thành những chiếc đèn có nhiều hình dáng khác nhau như hoa sen, hình chiếc thuyền, hình trụ,… rồi thắp vào trong một ngọn nến, thả xuống sông hồ hay cho bay lên cao. Vào lúc bắt đầu thả đèn, ai ai cũng thành tâm cầu nguyện, mong chiếc đèn mang những nguyện ước của mình bay đi thật xa, mong cho ước mơ trở thành sự thật.
Thả đèn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thiếu nữ và các em nhỏ.
Giải câu đố
Một hoạt động khác cũng được nhiều người Trung Quốc, mà nhất là các nam thanh nữ tú ở đất nước đông dân nhất thế giới ưa chuộng vào đêm Trung thu, là cùng nhau giải câu đó treo trên những chiếc đèn lồng lung linh. Vào đêm rằm tháng 8 ở những nơi công cộng, mọi người sẽ tập trung lại với nhau và cùng thưởng trà, ăn bánh, bàn nhau giải những câu đố ghi trên đèn lồng.
Trung thu cũng là dịp để nhà nhà người người ra đường dạo chơi, mua sắm.
Phong tục thú vị này được các chàng trai cô gái đặc biệt yêu thích vì đã làm nên vô số giai thoại tình yêu. Ngày nay, giải câu đố trong đêm Trung thu đã trở thành một trong những phương pháp bày tỏ tình yêu tinh tế và ý nhị của các đôi nam nữ hiện đại.
Tết Trung Thu của người Trung Quốc được xem là ngày lễ Tết quan trọng vì mang nhiều ý nghĩa và ẩn chứa những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời với những phong tục độc đáo. Ở mỗi điểm du lịch Trung Quốc khác nhau, ngày rằm tháng 8 Âm lịch còn có những đặc trưng riêng, hấp dẫn và thu hút rất nhiều du khách dừng chân và trải nghiệm, khám phá và cảm nhận ngày trăng tròn đậc biệt trong năm này.