Cựu nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher cảnh báo Trung Quốc đang thu hẹp cách biệt trong "Chiến tranh Lạnh công nghệ" với Mỹ, gọi đây là "cuộc đấu sống còn".
Phát biểu trong một phiên thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, ông Mike Gallagher, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, lãnh đạo bộ phận an ninh quốc phòng tại tập đoàn phần mềm dữ liệu lớn (big data) Palantir Technologies, cho rằng Trung Quốc và Mỹ đang tham gia vào cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" về công nghệ.
"Hai bên không chỉ cạnh tranh đơn thuần, mà đây thực chất là Chiến tranh Lạnh kiểu mới", ông Gallagher nói. Mỹ đang dẫn trước trong cuộc chiến công nghệ này, nhưng với khoảng cách không lớn và Trung Quốc đang thu hẹp nó.
"Cuộc chiến này mang tính toàn cầu và sống còn", Gallagher nói. "Nếu không hiểu đúng điều đó, tôi e Mỹ sẽ không nhận ra tính cấp bách của vấn đề, đó là họ không chỉ cần giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh này, mà còn phải ngăn nó leo thang thành chiến tranh nóng".
Ông cho rằng Mỹ đang đứng trước "cánh cửa cơ hội" để làm điều đó, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy những khoản đầu tư thay đổi cục diện trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt và áp dụng AI ở quy mô lớn cho quân đội Mỹ.
Các chuyên gia, quan chức Mỹ có mặt tại phiên thảo luận dự đoán rằng Washington có thể sẽ nỗ lực duy trì lợi thế bằng cách tăng đầu tư vào công nghệ quân sự, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các loại chip tiên tiến.
Mark Warner, lãnh đạo Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nhận định Trung Quốc là "đối thủ công nghệ mà Mỹ chưa từng phải đối mặt".
Cạnh tranh Mỹ - Trung, đặc biệt là về thương mại và công nghệ, dự kiến gia tăng trong 4 năm tới. Trong ngày đầu quay lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã thu hồi sắc lệnh yêu cầu thanh tra mức độ rủi ro an toàn của AI trong lĩnh vực nhân quyền, an ninh mạng.
Ông Trump từ lâu coi sắc lệnh này là rào cản để đổi mới AI. Ông cảnh báo sự xuất hiện của AI DeepSeek của Trung Quốc là "lời cảnh tỉnh" cho công nghệ Mỹ.
Ông Gallagher, từng lãnh đạo ủy ban đặc biệt của Hạ viện về cạnh tranh với Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về những tiến bộ và động thái tăng đầu tư của Bắc Kinh vào AI và robot, trong đó ông cảnh báo lợi thế của Washington đang dần suy giảm.