Việt Nam đứng đầu số du học sinh ở Đài Loan

Hơn 23.700 sinh viên người Việt học tập tại Đài Loan, tính đến cuối năm 2022, đông nhất trong cộng đồng sinh viên quốc tế ở đây.

Triển lãm Giáo dục đại học Đài Loan diễn ra hôm 13/10 tại Hà Nội, có sự tham gia của 44 trường. Quầy thông tin các trường chia thành hai khu, chật kín học sinh, sinh viên, phụ huynh tới tìm hiểu.

Ông Chu Đa Minh, Trưởng phòng Giáo dục, Trung tâm Dữ liệu Giáo dục Đài Loan tại Việt Nam, cho biết năm ngoái, hơn 23.700 người Việt học tập tại Đài Loan, tăng 26% so với năm 2021. Trong số này, khoảng 16.000 người theo các chương trình cấp bằng, hơn 7.000 học chương trình tiếng Trung hoặc tham gia chương trình trao đổi.

Theo ông Chu, Việt Nam hiện là nước có số du học sinh đông nhất tại Đài Loan, theo sau là Indonesia và Malaysia. Lĩnh vực có đông sinh viên Việt Nam theo học là Kinh Doanh và Quản lý (bậc đại học), các ngành công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là chất bán dẫn (bậc thạc sĩ và tiến sĩ).

Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, cho hay ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam du học Đài Loan, không chỉ vì chất lượng giáo dục mà còn vì Đài Loan đạt đến trình độ hàng đầu trong các lĩnh vực như kỹ thuật, quản lý và y học. Sinh viên có thể chọn chương trình giảng dạy bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.

Hầu hết trường có yêu cầu đầu vào đơn giản. Về ngoại ngữ, người học phải đạt tối thiểu IELTS từ 5.0, hoặc TOCFL (chứng chỉ tiếng Trung gồm 6 cấp độ, từ A1 đến C2) từ A1 trở lên. Ứng viên theo bậc đại học cần có bảng điểm THPT, hai thư giới thiệu, còn ứng viên bậc thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học.

 

Bà Chen Ying Chieh, đại diện Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), đại học số 1 Đài Loan và xếp hạng 69 thế giới, cho hay trường yêu cầu ứng viên có IELTS từ 5.5, TOEFL 71, hoặc TOEIC 750/990 trở lên với chương trình tiếng Anh. Với chương trình dạy bằng tiếng Trung, ứng viên cần có TOCFL A2 hoặc HSK 4. Trường có hai loại học bổng đầu vào, gồm miễn hoàn toàn học phí (50.000-72.000 TWD, tương đương 38-55 triệu đồng mỗi kỳ) cùng trợ cấp hàng tháng khoảng 6 triệu đồng; miễn 100% học phí với những ứng viên được các trường THPT đề cử.

"NTU hiện có 108 sinh viên Việt Nam, chủ yếu ở các ngành Quản lý và Khoa học Xã hội", bà Chen cho biết.

Anh Hoàng Anh Tuấn, nghiên cứu sinh kiêm trợ lý phòng hợp tác quốc tế của NTU, nhận định Đài Loan muốn thu hút nhân lực chất lượng cao trong các mảng STEM, Trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nên có nhiều chính sách học bổng.

Phần lớn trường hỗ trợ học phí năm đầu tiên đại học. Một số trường có chương trình vừa làm vừa học để du học sinh có kinh phí trang trải cuộc sống, được trải nghiệm văn hóa và rèn kỹ năng mềm.

Đến triển lãm du học từ sớm, Nguyễn Thu Hằng và Kiều Gia Bảo, trường THPT Thạch Thất, muốn tìm các trường đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Cả hai đến quầy thông tin của Đại học quốc lập Thanh Hoa, trường xếp thứ hai tại Đài Loan, để hỏi có đào tạo những ngành này ở bậc cử nhân không và yêu cầu về ngôn ngữ.

"Ngành chất bán dẫn chỉ đào tạo từ bậc thạc sĩ. Nếu muốn học, em phải bắt đầu với ngành điện tử vật liệu trước", Hằng nói, cho biết ngôn ngữ học bằng tiếng Anh nhưng sinh viên cần biết tiếng Trung để giao tiếp.

Hằng và Bảo cho rằng yêu cầu đầu vào không quá khó. Hai học sinh sẽ cố gắng đạt điểm trung bình học tập tốt nhất để ứng tuyển học bổng trong thời gian tới.

Triển lãm du học Đài Loan là hoạt động thường niên. Sau ba năm liên tiếp tổ chức online vì dịch bệnh, năm nay, sự kiện được tổ chức trực tiếp với số lượng trường đại học tham gia triển lãm đông nhất từ trước đến nay.

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang