Trung Quốc là một quốc gia cổ đại đa sắc tộc với lịch sử lâu đời và nền văn hóa rực rỡ. Hàng nghìn năm nay, nhân dân các dân tộc đã sáng tạo ra hàng trăm loại hình nghệ thuật biểu diễn đa sắc màu, với nhiều trường phái và phong cách khác nhau, tạo nên một kho tàng nghệ thuật Trung Quốc chói lọi. Chúng ta cùng khám phá một số loại hình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc qua bài viết này nhé.
Sơ lược về nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Trung Quốc
Nghệ thuật biểu diễn là một loại hình nghệ thuật trực tiếp thu hút thị giác và thính giác của con người, được thực hiện thông qua các hoạt động biểu diễn như diễn tấu âm nhạc, ca hát, vũ đạo,... So với các loại hình nghệ thuật khác, tính trực quan của nghệ thuật biểu diễn giúp nó kết nối với khán giả một cách trực tiếp nhất, chặt chẽ nhất, đạt hiệu quả nhanh nhất và dễ được đón nhận nhất.
Nghệ thuật biểu diễn trực tiếp thu hút thị giác và thính giác của con người
Nền tảng của nghệ thuật biểu diễn là tái hiện hành vi của con người trong điều kiện nghệ thuật hư cấu, tức là người diễn viên đóng vai và tạo ra nhân vật. Diễn viên có thể xây dựng sự sáng tạo dựa trên kịch bản nhưng vẫn phải trung thành với nhân vật do nhà viết kịch tạo ra. “Trung thành” không phải là biểu diễn một cách máy móc, mà trong đó bao gồm cả sự “tái tạo” đầy sức sống. Chính nhờ "tái tạo", một diễn viên có năng lực sẽ đem lại sinh mệnh "sống" cho các nhân vật "chết" trong kịch bản.
Diễn viên là người mang đến sinh mệnh cho các nhân vật trong những vở kịch
Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc nổi bật là âm nhạc, vũ đạo, kịch nói, khúc nghệ, diễn xiếc và ảo thuật. Âm nhạc và vũ đạo Trung Quốc đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với nhiều thể loại vô cùng đa dạng, phong phú. Kịch nói là một môn nghệ thuật tổng hợp bao gồm sáng tác, đạo diễn, biểu diễn, thiết kế sân khấu, ánh sáng, bình luận, được lưu truyền vào Trung Quốc từ năm 1910 thời nhà Thanh. Khúc nghệ là tên gọi chung cho các loại hình nghệ thuật hát nói của Trung Quốc, là một loại hình nghệ thuật đặc sắc được hình thành từ quá trình phát triển lâu dài của văn học truyền miệng dân gian và nghệ thuật hát. Theo thống kê, có khoảng 400 loại hình khúc nghệ dân gian còn hoạt động và phân bố rộng khắp Trung Quốc. Qua đó có thể thấy, các loại hình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc rất đa dạng, đầy màu sắc và đều có một quá trình phát triển lâu dài từ xưa đến nay, tạo nên một bức tranh văn hóa rực rỡ.
Tương thanh là một nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc gần gũi với nhân dân
Tương thanh (tấu nói, tấu hài) là một trong những nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc, là loại hình khúc nghệ bắt nguồn từ cuộc sống với các hình thức là nói, học, chọc, hát, dường như đang cãi nhau nhưng lý lẽ rất khôi hài. Tương thanh Trung Quốc chủ yếu biểu diễn bằng miệng, bên cạnh đó có thêm các đạo cụ như quạt, khăn tay, tỉnh mộc (thước gõ). Đây là một loại hình nghệ thuật rất được quần chúng nhân dân yêu thích bởi sự gần gũi và giản dị của nó. Các hình thức biểu diễn bao gồm: tương thanh đơn khẩu, tương thanh đối khẩu, tương thanh quần khẩu.
Tương thanh thường xuất hiện trên Gala năm mới của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc
Tương thanh đơn khẩu (tấu hài đơn) là một diễn viên biểu diễn một câu chuyện cười. Tương thanh đối khẩu (tấu hài đôi) do hai diễn viên biểu diễn, bao gồm vai chọc cười (đậu ngân) và vai hỗ trợ (bổng ngân), phong cách ngôn ngữ và ngữ khí của hai người lúc biểu diễn đều khác nhau. Tương thanh quần khẩu (tấu hài nhóm) có ba người biểu diễn trở lên, gồm có vai chọc cười, vai hỗ trợ và vai chen ngang (nị phùng). Một đoạn tương thanh thường bao gồm bốn phần: “đệm thoại” là lời mở đầu ngẫu hứng, “biều bà” là phần giới thiệu dẫn dắt vào nội dung chính, “chính hoạt” là nội dung chính và “đáy” là đoạn kết sau phần cao trào.
Tương thanh dùng những câu chuyện cười hoặc câu đố vui để chọc cười khán giả. Nó sử dụng phương thức biểu diễn trực tiếp đối diện với người xem, rất nhiều diễn viên còn đặt câu hỏi giao lưu với khán giả bên dưới, hoặc trả lời các câu hỏi do khán giả đặt ra. Với nội dung gắn liền đời sống và hình thức nghệ thuật độc đáo, tương thanh đã trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc của dân tộc. Ngày nay, tương thanh vẫn vô cùng phổ biến và được giới trẻ yêu thích, trong đó Đức Vân Xã là xã đoàn tương thanh chuyên nghiệp nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đức Vân Xã có trụ sở chính ở nhà hát Thiên Kiều Bắc Kinh, ngoài ra còn có các chi nhánh khác ở Hắc Long Giang, Cát Lâm, Nam Kinh và một chi nhánh nước ngoài ở Melbourne.
Sân khấu tương thanh Đức Vân Bắc Kinh nằm ở Thiên Kiều
Kinh kịch là một nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc bắt nguồn từ Bắc Kinh
Kinh kịch hay còn gọi là Kinh hí, là thể loại hí kịch hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của nhà Thanh, có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc và được mệnh danh là “Quốc kịch”. Kinh kịch thường thể hiện các đề tài về lịch sử và đấu tranh, phần lớn các câu chuyện lấy từ lịch sử và tiểu thuyết. Bốn thủ pháp nghệ thuật được biểu diễn trong Kinh kịch là hát, đọc, diễn, đánh, là một môn nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, có hát, có múa, có đối thoại, có đánh võ, có các động tác mang tính tượng trưng.
Kinh kịch được mệnh danh là “Quốc kịch” của Trung Quốc
Các diễn viên trên sân khấu Kinh kịch không xuất hiện với diện mạo vốn có của mình, mà hóa trang theo giới tính, tính cách, tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị của vai diễn mình đóng. Các vai diễn trên sân khấu được chia thành bốn loại: Sinh, Đán, Tịnh, Sửu. “Sinh” là cách gọi chung cho các vai nam, chia thành lão sinh, võ sinh, tiểu sinh; “Đán” là cách gọi chung của các vai nữ, chia thành thanh y (chính đán), hoa đán, khuê môn đán, đao mã đán, võ đán, thái đán, lão đán; “Tịnh” còn gọi là “hoa kiểm”, thường đóng các vai nam có tính cách, phẩm chất hoặc ngoại hình khác thường, có giọng hát lớn và phong cách thô bạo, được chia thành chính tịnh, giá tử hoa, võ nhị hoa, suất đả hoa, dầu hoa; “Sửu” là các vai hài, thường bôi bột trắng lên sống mũi, chia thành văn sửu, võ sửu. Sự trung thành, cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, danh dự và sự thấp kém của các nhân vật có thể được thể hiện thông qua việc hóa trang trên khuôn mặt của từng vai diễn. Mỗi một vai đều có những cách biểu diễn riêng, có đặc điểm riêng về kỹ năng hát, đọc, diễn, đánh.
Bốn vai sinh, đán, tịnh, sửu trong Kinh kịch thể hiện tính cách, thân phận, địa vị của các nhân vật
Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, Kinh kịch đã có bước phát triển mới. Đặc biệt, nó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc vì là một loại hình nghệ thuật truyền thống. Ngày nay, Nhà hát lớn Trường An ở Bắc Kinh vẫn thường tổ chức biểu diễn các vở Kinh kịch và Cuộc thi Kinh kịch nghiệp dư quốc tế được tổ chức hằng năm cũng thu hút những người yêu Kinh kịch từ khắp nơi trên thế giới. Đây còn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc được dành riêng trong giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Biến kiểm là một kỹ thuật trong Xuyên kịch thuộc nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc
Xuyên kịch là một trong những loại hình hí kịch truyền thống, phổ biến ở miền đông và miền trung Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu và các vùng của Vân Nam. Biến kiểm là một trong những kỹ thuật đặc biệt của Xuyên kịch, được dùng để bộc lộ những thay đổi trong nội tâm và tư tưởng tình cảm của các nhân vật trong vở kịch, biến những cảm xúc và tâm lý trừu tượng vô hình không thấy được thành trạng thái thành hình ảnh cụ thể nhìn thấy được - khuôn mặt. Trong những năm đầu thế kỷ 20, kỹ thuật biến kiểm được khám phá, phát triển và hoàn thiện trong các vở kịch, và dần trở thành nét đặc sắc chính trong Xuyên kịch.
Biến kiểm là một kỹ thuật đặc biệt được dùng trong Xuyên kịch
Có ba cách biến kiểm trong Xuyên kịch: "bôi mặt", "thổi mặt" và "kéo mặt". “Bôi mặt” là dùng sơn dầu bôi lên một bộ phận cố định trên mặt, khi muốn đổi thành sắc mặt khác người biểu diễn có thể dùng tay bôi đều lên mặt. Nếu muốn đổi toàn bộ khuôn mặt, người ta sẽ bôi sơn dầu lên trán hoặc lông mày, nếu chỉ thay đổi phần dưới của khuôn mặt thì có thể bôi sơn dầu lên mặt hoặc mũi. “Thổi mặt” chỉ thích hợp cho đồ trang điểm dạng bột, chẳng hạn như bột vàng, bột đen, bột bạc,... Đôi lúc trên sân khấu sẽ được đặt một chiếc hộp nhỏ đựng bột bên trong, khi cần biến kiểm diễn viên sẽ thực hiện một động tác múa trên mặt đất, nhân cơ hội kề sát mặt vào chiếc hộp và thổi bột phủ lên mặt, ngay lập tức nó sẽ biến thành một khuôn mặt có màu khác. "Kéo mặt" là một phương pháp biến kiểm phức tạp hơn, đó là vẽ từng tấm mặt nạ lên miếng lụa từ trước, cắt ra, buộc sẵn chỉ vào từng miếng mặt nạ rồi dán lên mặt, sợi chỉ được buộc ở một nơi thuận tiện và không bị lộ trên quần áo (chẳng hạn như trên thắt lưng). Theo tiến triển của cốt truyện mà từng tấm mặt nạ sẽ được kéo xuống dưới vỏ bọc của vũ đạo.
Một số loại mặt nạ được dùng để biến kiểm trong Xuyên kịch
Biến kiểm trong Xuyên kịch được xếp vào bí mật quốc gia cấp độ hai vì tính độc đáo của nó. Đây là một loại hình nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc đòi hỏi sự khéo léo của người diễn viên và nó thu hút đông đảo người dân bởi sự thần bí như ảo thuật. Nếu có dịp đến Tứ Xuyên, bạn có thể đến nhà hát Thục Phong Nhã Quân và nhà hát Cẩm Giang để thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Bên cạnh Tương thanh, Kinh kịch, Xuyên kịch, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật khác với những nét đặc sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa riêng. Tất cả những môn nghệ thuật này đã tạo nên một bức tranh tổng thể nhiều màu sắc về nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc.