Con đường Tơ lụa hình thành cách đây hơn 2100 năm và là con đường mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử. Con đường này đã dẫn tới sự pha trộn văn hóa giữa châu Âu và châu Á.
Năm 139 TCN, trong một cuộc tìm kiếm đồng minh ở viễn tây, Hán Vũ Đế (156-87 TCN) - hoàng đế thứ bảy của nhà Hán đã cử Trương Khiên (200-114 TCN) làm sứ thần đến Trung Á và họ nhận ra rằng thương mại và đi lại giữa hai khu vực sẽ rất có lợi.
Vào năm 119 TCN, con đường tơ lụa bắt đầu hình thành từ Trường An (nay gọi là Tây An), cố đô của Trung Quốc, kéo dài đến Lạc Dương trong thời Hậu Hán (25-220 sau Công nguyên). Con đường tơ lụa kết thúc ở Rome, Italy. Tổng chiều dài của các con đường tơ lụa là khoảng 9.000 km.
Khi nhà Hán bị vướng vào cuộc chiến tranh lớn với những người du mục Hung Nô và nhà Hán muốn có những con ngựa chiến lớn ở thung lũng Fergana cho kỵ binh của họ cưỡi để đánh bại kẻ thù, họ đã đổi lụa lấy ngựa nhờ con đường này.
Một phần của Con đường Tơ lụa.
Có 5 con đường tơ lụa ở Trung Quốc. Con đường tơ lụa chính đi từ thủ đô của Trung Quốc qua Trung Á đến Châu Âu; Một nhánh phía nam đi qua dãy núi Karakorum. Nhánh phía bắc đi vào Nga. Con đường Tea Horse đi qua Tây Tạng đến Ấn Độ và con đường tơ lụa trên biển đi qua biển đến Trung Đông và châu Âu.
Con đường tơ lụa thực ra không phải chỉ là một con đường, nó giống như một tuyến đường và lạc đà là loài động vật chính được sử dụng để vận chuyển hàng hóa dọc theo các đoạn đường bộ của con đường tơ lụa. Ngoài lạc đà, các thương nhân ở Trung Á và Trung Quốc còn sử dụng ngựa và bò Tây Tạng để chở hàng hóa của họ.
Con đường tơ lụa bị "cắt đứt" vào khoảng năm 1368. Do sự sụp đổ của Nhà Nguyên (1279-1368) các tuyến đường thương mại của người Mông Cổ bị cắt đứt và các tàu buồm bắt đầu thay thế cho việc buôn bán bằng đường bộ. Nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368 đến năm 1644 sau sự sụp đổ của triều đại nhà Nguyên do người Mông Cổ lãnh đạo, thời đại này cấm hầu hết mọi hoạt động buôn bán trên biển.
Con đường tơ lụa hình thành đã lâu nhưng tới năm 1877, Ferdinand Van Richthoten, một nhà địa lý nổi tiếng từng làm việc ở Trung Quốc từ năm 1868 đến năm 1872 mới đặt ra thuật ngữ "Con đường tơ lụa" trong khi lập bản đồ con đường tơ lụa, lý do vì người Trung Quốc chủ yếu buôn bán tơ lụa. Các hàng hóa khác mà họ buôn bán bao gồm đồ sứ, gia vị, đá quý, nước hoa, ngà voi, san hô, thuốc súng, hạt thủy tinh và lông thú.
Thời xưa, lụa được cho là có giá trị như vàng. Nó là món đồ hoàn hảo để mang theo trên con đường thương mại vì nó rất nhẹ và dễ vận chuyển. Các thương nhân vận chuyển lụa ở dạng cuộn nhuộm, dạng thô, quần áo, thảm, đồ thêu và thảm trang trí.
Người châu Âu đã mang các mặt hàng đặc sản dọc theo con đường tơ lụa để trao đổi với người Trung Quốc. Những mặt hàng này thường bao gồm len, động vật, nô lệ, ngọc bích, rượu và thủy tinh màu.
Gia vị là mặt hàng quan trọng thứ hai được vận chuyển trên con đường tơ lụa. Những người buôn bán đã sử dụng những loại gia vị này để che đi mùi vị của thực phẩm đang thối rữa và bảo quản thực phẩm trong chuyến hành trình của họ. Họ cũng kinh doanh những loại gia vị có giá trị này, phổ biến nhất bao gồm hạt tiêu, gừng, nhục đậu khấu, đinh hương, thìa là, nghệ tây và quế.
Giấy thực sự là một trong những mặt hàng quan trọng nhất được giao dịch trên con đường tơ lụa. Nó đã trở thành vật liệu viết được sử dụng nhiều nhất ở Âu - Á và có ảnh hưởng lớn đến lịch sử.
Có rất nhiều thành phố nổi bật trên con đường tơ lụa, ấn tượng nhất là Samarkand - thành phố lớn thứ hai của Uzbekistan. Thành phố này là tâm điểm của nhiều tuyến đường của Trung Quốc gặp nhau và sau đó tiếp tục đến châu Âu.
Samarkand khá nổi tiếng và là nơi ở của những người quan trọng như nhà thơ, thợ thủ công và nhà thiên văn học. Nhiều thương nhân thậm chí đã không đi hết toàn bộ tuyến đường. Họ thường đi từ thành phố này đến thành phố gần nhất tiếp theo và sau đó chuyển hàng hóa của mình cho người khác. Mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi hàng hóa đến được điểm đến ở châu Âu.
Bản đồ Con đường Tơ lụa.
Người nổi tiếng nhất trong lịch sử đã du hành khám phá con đường tơ lụa là Marco Polo. Ông cũng là người đầu tiên đến từ châu Âu ghi lại kinh nghiệm của mình khi đi du lịch vòng quanh Trung Quốc.
Con đường tơ lụa không chỉ là một nơi đơn thuần để buôn bán hàng hóa. Trên thực tế, nó đã giúp truyền bá những ý tưởng, nghệ thuật, công nghệ, ngôn ngữ... Có rất nhiều học giả, nhà ngôn ngữ học và nhà truyền giáo đã đi dọc theo con đường này và truyền bá những ý tưởng của họ.
Cuối thế kỷ XIV là lúc con đường tơ lụa bắt đầu lạc hậu. Trong thời gian này, việc đóng tàu và ngành hàng hải đã phát triển hơn. Điều này đã thay đổi cách mọi người nghĩ về du lịch cũng như việc di chuyển.
Con đường tơ lụa ngày nay không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn là điểm đến yêu thích của những du khách ưa mạo hiểm. Con đường này có các điểm tham quan tự nhiên tuyệt đẹp và là các "điểm nóng" về văn hóa, khiến nó trở thành một trong những địa điểm tham quan hàng đầu ở Trung Quốc.