Các kỹ sư của nhiệm vụ Hằng Nga 6 không thể đoàn tụ gia đình vào Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho vụ phóng tàu đến Mặt Trăng vào tháng 5 tới.
Nhiệm vụ Hằng Nga 6 là nỗ lực đầu tiên nhằm thu thập mẫu vật ở phía xa Mặt Trăng và mang về Trái Đất để phân tích. Vụ phóng dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 5, Space hôm 15/2 đưa tin.
Các bộ phận của tàu Hằng Nga 6 được vận chuyển đến sân bay vũ trụ Văn Xương, đảo Hải Nam, vào đầu tháng 1. Tại đây, một nhóm kỹ sư và nhà nghiên cứu, nhiều người đã có kinh nghiệm từ nhiệm vụ Hằng Nga 5 năm 2020, tiến hành thử nghiệm và điều chỉnh các thiết bị.
Thời gian diễn ra Tết Nguyên đán cũng là giai đoạn trọng yếu với nhiệm vụ Hằng Nga 6, theo Zhang Yang, kỹ sư quản lý của nhiệm vụ. "Chúng tôi phải đảm bảo con tàu trong tình trạng tốt, và mỗi bước mà chúng tôi thực hiện đều được đảm bảo chất lượng", Zhang nói. Vì không thể trở về gặp gia đình, các thành viên trong nhóm đã liên lạc với người thân từ xa.
Nhiệm vụ Hằng Nga 6 dự kiến kéo dài 53 ngày. Tàu đổ bộ của nhiệm vụ sẽ hạ cánh xuống hố trũng Apollo khổng lồ ở phía xa Mặt Trăng, thu thập khoảng 2 kg đất đá Mặt Trăng bằng xẻng xúc và mũi khoan.
Nhiệm vụ phức hợp Hằng Nga 6 gồm 4 phương tiện - một module thiết bị, một tàu đổ bộ, một phương tiện để phóng lên từ Mặt Trăng và một khoang hồi quyển. Ngoài ra còn có vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2, dự kiến phóng vào tháng 2 hoặc tháng 3, để hỗ trợ nhiệm vụ. Vệ tinh này có nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin liên lạc giữa các trạm mặt đất và tàu Hằng Nga 6 vì phía xa của Mặt Trăng không thể quan sát được từ Trái Đất.
Sau khi thu thập mẫu vật Mặt Trăng, tàu đổ bộ sẽ đặt chúng vào một phương tiện phóng, phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng. Trên quỹ đạo, phương tiện phóng sẽ ghép nối với module thiết bị đang chờ sẵn. Module này nhận món hàng quý giá, sau đó trở về Trái Đất, triển khai khoang hồi quyển. Nhiệm vụ của khoang này là bảo vệ mẫu vật trong quá trình lao xuống khí quyển Trái Đất và đáp xuống bề mặt an toàn bằng dù.
Việc phân tích mẫu vật từ phía xa Mặt Trăng có thể mang đến những thông tin mới về lý do tại sao phía gần và phía xa của Mặt Trăng lại khác nhau như vậy, về lịch sử của Mặt Trăng cũng như sự phát triển của hệ Mặt Trời.