5 điều cần làm khi ô tô bị mắc kẹt trong tuyết

Phần 1: Kiểm tra thông tin của cơ quan chính quyền và đơn vị quản lý đường cao tốc

Tại Nhật Bản, tuyết rơi dày thường khiến giao thông đường bộ bị gián đoạn.

Chúng tôi sẽ gửi tới các bạn loạt bài về 5 điều mà lái xe cần làm khi ô tô bị mắc kẹt trong tuyết hoặc gặp tắc đường do nhiều xe ô tô bị mắc kẹt.

Điều đầu tiên là truy cập thông tin do các công ty quản lý đường cao tốc quốc gia, Bộ Đất đai và Giao thông, cũng như các cơ quan chính quyền địa phương cung cấp. Những cơ quan này thường cập nhật trên trang web và mạng xã hội những thông tin về tai nạn, việc đóng cửa các tuyến đường hoặc xe cộ bị mắc kẹt. Các cơ quan này có thể đăng thông tin về khả năng sắp đóng cửa những đoạn đường nào.

Một vài công ty quản lý đường cao tốc có cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ.

Trung tâm Dịch vụ Khách hàng của Công ty Đường cao tốc Thủ đô cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha, thông qua hệ thống điện thoại 3 chiều kết nối với phiên dịch. Thông tin về khu vực Đường cao tốc Thủ đô, trong đó có việc đóng cửa đường cao tốc do tuyết rơi dày, được cung cấp 24/24 giờ, qua số điện thoại 03-6667-5855.

Thông qua trang web Oshie-te Yuki Navi của Bộ Đất đai và Giao thông, chúng ta có thể xem hình ảnh của các camera lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc lớn và truy cập các tài khoản Twitter của văn phòng đường cao tốc trên cả nước.

Tài khoản mạng xã hội của các văn phòng quản lý đường cao tốc và các chính quyền địa phương đôi khi có thông tin về việc đoạn đường nào đã được dọn tuyết, cũng như việc các cơ quan có thẩm quyền có phân phối thực phẩm khẩn cấp cho những lái xe bị mắc kẹt hay không.

Khi xe ô tô bị mắc kẹt và người trong xe không thể ra ngoài cũng như không thể thu thập thông tin, hãy gọi vào số khẩn cấp #9910 để được kết nối 24/24 giờ với Bộ Đất đai và Giao thông. Đây là đường dây điện thoại miễn phí cho trường hợp khẩn cấp đường bộ.

Nếu bạn chứng kiến tai nạn giao thông hoặc tình huống khẩn cấp nào khác, xin hãy gọi điện cho cảnh sát theo số 110.

Chúng ta cũng có thể gọi điện cho dịch vụ hỗ trợ trên đường của Liên đoàn Xe hơi Nhật Bản (JAF), theo số #8139 để xin trợ giúp. Tuy nhiên dịch vụ này phải trả tiền.

Thông tin được cập nhật tới ngày 29/12/2021.
 



Phần 2: Thường xuyên dọn tuyết xung quanh ống xả

Phần 2 loạt bài nên làm gì khi xe bị mắc kẹt trong tuyết hay bị tắc đường do tuyết rơi dày nói về việc dọn tuyết xung quanh ống xả của xe ô tô quan trọng thế nào.

Khi bị kẹt trong tuyết, hãy dọn tuyết xung quanh phía đuôi ống xả. Nếu tuyết phủ kín đuôi ống xả, khí thải sẽ quay ngược lại xe, có thể khiến hành khách bị ngộ độc khí các-bon mô-nô-xít. Đây là khí độc có thể gây tình trạng thiếu oxy. Hít phải loại khí này có khi tử vong, nhưng mọi người lại thường không phát hiện ra loại khí này do khí không màu và không mùi.

Năm 2013, một gia đình 4 người tử vong trong xe ô tô bị chôn vùi dưới tuyết ở Hokkaido do ngộ độc khí các-bon mô-nô-xít.

Theo kết quả thử nghiệm của Liên đoàn Xe hơi Nhật Bản (JAF), nếu ống xả phía đuôi xe bị tuyết lấp kín, thì khoảng 20 phút là lượng khí này sẽ tăng lên mức có thể gây tử vong cho người ngồi trong xe trong vòng vài giờ khi không có gió, ngay cả khi cửa sổ chỗ ghế lái xe mở khoảng 5cm.

Thử nghiệm cũng cho thấy nồng độ các-bon mô-nô-xít trong xe không tăng ngay cả khi xe bị tuyết phủ kín tới mui, nếu thường xuyên dọn tuyết quanh ống xả.

Thông tin được cập nhật tới ngày 30/12/2021.
 



Phần 3: Tắt động cơ khi xe bị chôn vùi trong tuyết

Chúng ta phải làm sao khi đang di chuyển vào mùa đông mà ô tô bị mắc kẹt trong tuyết hoặc gặp tắc đường do tuyết rơi dày? Phần 3 trong loạt bài về những điều cần làm trong trường hợp như vậy sẽ tìm hiểu việc cần làm nếu xe bị chôn vùi trong tuyết.

Khi xe ô tô của bạn bị chôn vùi hoàn toàn trong tuyết, hãy tắt động cơ để tránh ngộ độc khí các-bon mô-nô-xít.

Tuyết có tác dụng cách nhiệt và giúp tránh không khí lạnh bên ngoài. Tương tự như trong những nhà vòm bằng tuyết, nhiệt độ bên trong không giảm quá nhiều. Thỉnh thoảng hãy mở cửa sổ xe ở bên khuất gió khoảng 1cm để thông khí và đợi được trợ giúp.

Thông tin được cập nhật tới ngày 31/12/2021.
 



Phần 4: Vận động chân và uống đủ nước

Bạn nên làm gì nếu đang di chuyển trong mùa đông và xe ô tô bị mắc kẹt hoặc gặp tắc đường do các phương tiện giao thông bị mắc kẹt trong tuyết? Phần 4 loạt bài nói về 5 điều cần làm nếu gặp phải trường hợp như vậy nói về việc cần vận động và uống nhiều nước.

Dù phải ngồi trong xe thì bạn cũng hãy nên vận động chân và uống nước thường xuyên. Nếu như chúng ta ngồi ở một chỗ chật chội trong thời gian dài mà không thay đổi vị trí thì có thể gây ảnh hưởng tới việc tuần hoàn của máu và dễ gây ra hiện tượng huyết khối, thường được gọi là "hội chứng hạng ghế phổ thông".

Các bạn hãy vận động chân theo cách sau:
Gập và duỗi ngón chân
Nhấc lên, hạ xuống gót chân trong khi vẫn giữ nguyên ngón chân trên sàn xe
Uốn cong bàn chân
Xoay cổ chân
Nhẹ nhàng mát xa bắp chân
Duỗi thẳng người và vặn nửa người phía trên
Nếu ngủ thì nên gác chân lên cao

Thông tin được cập nhật tới ngày 3/1/2022.
 



Phần 5: Thường xuyên kiểm tra cửa xe bên phía khuất gió

Chúng ta phải làm sao khi đang di chuyển vào mùa đông mà ô tô bị mắc kẹt trong tuyết hoặc gặp tắc đường do tuyết rơi dày? Phần 5 trong loạt bài về những điều cần làm trong trường hợp như vậy sẽ nói về cửa xe bên phía khuất gió.

Hãy thường xuyên kiểm tra cửa xe bên phía khuất gió để chắc chắn là bạn có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Mục đích của việc này là để đề phòng bạn bị kẹt bên trong xe do tuyết ngay lập tức đóng dày bên phía có gió khiến cửa xe không mở được.

Người lái xe cũng phải nhớ rằng khi cửa bên phía có gió mở, nhiệt độ bên trong xe sẽ giảm do tuyết và gió sẽ thổi vào bên trong.

Bất cứ ai cũng có thể bị kẹt trong bão tuyết dù cho có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu. Có trường hợp còn bị mắc kẹt trong xe ô tô đến vài ngày. Do đó, lời khuyên đưa ra là các bạn nên cân nhắc phương án không ra khỏi nhà hoặc thay đổi kế hoạch.

Thông tin được cập nhật tới ngày 4/1/2022.
 



Phần 6: Trải nghiệm kinh hoàng bị tắc đường trong bão tuyết

Chúng ta phải làm sao khi đang di chuyển vào mùa đông mà ô tô bị mắc kẹt trong tuyết hoặc gặp tắc đường do tuyết rơi dày? Trong loạt bài về 5 điều cần làm trong trường hợp như vậy, phần này nói về trải nghiệm có thật của một người khi bị tắc đường.

Chúng tôi đã trò chuyện với một người đàn ông từng bị tắc đường trên đường cao tốc trong hơn 30 tiếng đồng hồ khi xảy ra bão tuyết hồi tháng 12 năm 2020.

Người này cho biết ông cứ nghĩ mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bão tuyết bằng cách mang theo dây xích bánh xe khi đi đường tuyết và các trang thiết bị để đưa xe ra khỏi tuyết khi bị kẹt. Tuy nhiên, ông nói rằng dù có chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị đến đâu thì cũng vô ích nếu ô tô bị tắc đường.

Ông nói rằng điều quan trọng nhất là theo dõi dự báo thời tiết và không di chuyển bằng ô tô trong tình hình thời tiết khắc nghiệt.

Ông cho biết, sau trải nghiệm trên, giờ đây ông mang theo nước uống, thực phẩm, toilet di động, tấm giữ nhiệt và xẻng có thể gấp gọn, để dọn tuyết ở gần ống xả phía đuôi xe. Ông kể lại rằng thật may mắn là khi đó ông không phải lo lắng về xăng ô tô, vì tình cờ ông mới đổ xăng ngay trước khi lên đường cao tốc.

Ông nói rằng điều đáng sợ nhất là xe hết xăng vì như vậy sẽ không thể dùng máy sưởi hoặc sạc điện thoại để thu thập thông tin. Ông nói bây giờ ông luôn ghé vào trạm xăng trước khi lên đường cao tốc.

Thông tin được cập nhật tới ngày 5/1/2022.
 



Những điều cần lưu ý nếu ra ngoài khi có tuyết

Khi tuyết rơi, tuyết có thể không tan và khiến đường đóng băng. Người dân sống tại các khu vực không thường xuyên có tuyết cần cẩn thận khi đi bộ hay lái xe trong thời tiết này.

Dưới đây là một số khuyến cáo khi đi làm hoặc đi học.

Đầu tiên, hãy kiểm tra giày của bạn. Nên tránh đi giày da và giày thể thao vì các loại giày này có thể khiến bạn dễ bị trượt ngã. Nên đi các loại giày có đế lượn sóng hoặc đế chống trượt.

Dáng đi cũng góp phần quan trọng tránh trượt ngã khi đi trên đường đóng băng. Nên đi các bước ngắn và giữ cho đế giày thẳng trên mặt đất. Đi bộ giống chim cánh cụt sẽ giúp bạn không bị trượt ngã.

Cần đặc biệt cẩn trọng khi băng qua đường (đặc biệt là các đoạn đường có vạch màu trắng), khi lên xuống dốc, đi ở lề đường, dưới cầu vượt, khi đi qua các hố cống, cũng như lối vào các bãi đỗ xe và các khu tiện ích ngầm.

Chúng tôi cũng xin giới thiệu một số cách để giảm thiểu chấn thương nếu bị ngã. Hãy bỏ đồ trong ba lô để bạn có thể sử dụng cả hai tay trong trường hợp bị ngã. Găng tay và mũ có thể làm giảm lực tác động. Nếu có thể, hãy ngã theo tư thế ngồi để hạn chế tổn thương đến cơ thể.

Tuyết đọng và đường đóng băng cũng ảnh hưởng đến việc lái xe.

Trong các trận bão tuyết trước đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do đường trơn trượt, và các phương tiện đã bị tắc. Việc các lái xe chuẩn bị cho tình huống này là rất quan trọng.

Đảm bảo đã thay lốp đi mùa đông cho xe, hoặc gắn xích chống tuyết. Ngay cả khi xe của bạn có lốp đi mùa đông thì cũng cần kiểm tra lại xem lốp có bị mòn hay không.

Đặc biệt chú ý đến tuyết và điều kiện đường sá khi lái xe. Tránh tăng tốc đột ngột, phanh gấp hoặc cua gấp vì các hành vi này có thể dẫn đến tai nạn.

Đảm bảo đủ khoảng cách giữa các phương tiện, cẩn thận khi qua cầu hoặc khi qua đường hầm vì các địa điểm này dễ xuất hiện đường đóng băng.

Mặt đường tuy có vẻ ướt nhưng thực tế có thể đã đóng băng. Nên lái xe cẩn thận vì so với khi thời tiết bình thường thì xe sẽ bị trôi xa hơn trước khi dừng hẳn lại.

Nên đi sớm hơn kế hoạch. Hãy lập ra một lịch trình hợp lý và thay đổi kế hoạch nếu cần thiết.

Nguồn: NHK

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang