TTCT - Dịch vụ làm đẹp nào ở Nhật Bản mà hầu như không có ranh giới về tuổi tác và giới tính? Câu trả lời là tẩy lông làm đẹp, và trẻ 3 tuổi đã có thể là khách hàng.
Làn da mịn màng không có lông được xem là xu hướng thẩm mỹ chủ đạo nhiều năm qua của các nước châu Á nói chung. Người Trung Quốc xem lông trên cơ thể là dấu hiệu của sự nhếch nhác, lười biếng và già. Các sao xứ Hàn cực kỳ tỉ mỉ trong việc "quản lý lông dưới cánh tay" khi xuất hiện.
Nhật Bản cũng không ngoại lệ, nếu không muốn nói là ám ảnh cực đoan với chuyện cái lông cái tóc. "Trên đường phố, bến xe buýt, ga tàu điện và trên mạng - quảng cáo dịch vụ tẩy lông có mặt ở khắp nơi. Tẩy lông cơ thể đang phổ biến với người trẻ, nhưng bắt đầu vượt qua các ranh giới về giới tính và thế hệ trước đây" - The Japan Times tường thuật năm 2022.
Không ranh giới tuổi tác, cụ thể là trẻ em mới biết đi đã được bố mẹ cho đi tẩy lông. Tất cả cũng vì niềm tin rằng tiêu chuẩn đẹp của xã hội là một làn da sáng, trắng mịn, không tì vết, và không có lông. Điều này thể hiện ở cả ngôn ngữ, trong tiếng Nhật, lông trên cơ thể thường được gọi là mudage, nghĩa là "lông không mong muốn".
Công ty Dione của Nhật Bản quảng cáo sẽ cung cấp dịch vụ tẩy lông bằng laser cho trẻ em từ ba tuổi. Theo đại diện của công ty, dịch vụ này sử dụng thiết bị nhẹ nhàng, công suất thấp và được thiết kế đặc biệt cho làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Theo một cuộc khảo sát của công ty tẩy lông Rize, số lượng học sinh tiểu học và trung học dùng dịch vụ tẩy lông ở Nhật Bản đã tăng gấp 8 lần từ năm 2016 đến năm 2023. Gần 60% phụ huynh Nhật Bản cho biết con họ muốn tẩy lông trên cơ thể, bất chấp các chuyên gia cảnh báo có thể gây tổn thương đáng kể cho da và nang lông của trẻ em.
Chuyện này cũng dễ hiểu, vì thanh thiếu niên có nhiều lông trên cơ thể thường bị bạn bè bắt nạt và kỳ thị. Một người bình luận trên Yahoo Japan rằng "khi còn học cấp hai, tôi thường bị gọi là quả bóng lông, mọi người sẽ vén quần áo của tôi để trêu chọc". "Con gái tôi không muốn đi học mẫu giáo vì bị bọn con trai trong lớp ghẹo. Tôi có thể làm gì?" - một bà mẹ cầu cứu cộng đồng mạng.
Tờ nhật báo hàng đầu Nhật Bản Asahi từng thông báo về sự xuất hiện của "kỷ nguyên làm đẹp bằng tẩy lông dành cho trẻ vị thành niên" ở nước này từ năm 2010. Theo Statista, một khảo sát thực hiện đầu năm 2022 cho thấy phần lớn thanh thiếu niên Nhật từ 20-29 tuổi đã có kinh nghiệm triệt lông; hơn 51% trả lời đã tự mình hoặc nhờ sự trợ giúp của chuyên gia để tẩy lông.
Một cuộc khảo sát năm 2020 của công ty tẩy lông QEEQ cho kết quả là khoảng 90% phụ nữ trẻ thích đàn ông có ít lông trên cơ thể hơn; họ cho rằng "ngay cả khi đàn ông có khuôn mặt đẹp mà thân hình nhiều lông cũng khiến họ khó chịu, không hứng thú hẹn hò". Điều này có thể đã khiến nhiều đàn ông Nhật tìm đến sản phẩm, dịch vụ giúp mày râu nhẵn nhụi.
Truyền thống tẩy lông của Nhật đã có từ 1.200 năm trước. Phụ nữ thời đó sẽ sử dụng những con dao nhỏ và vỏ sò sắc nhọn để cạo lông mặt. Thời Edo (khoảng 400 năm trước), đàn ông dùng những viên đá mịn để chà xát lông chân, dưới cánh tay và vùng sinh dục khi tắm.
Đến thời kỳ Minh Trị, nam giới có khuôn mặt cạo râu sạch sẽ đã trở thành tiêu chuẩn, và những người vẫn còn để râu, như người Ainu ở Hokkaido, thậm chí còn bị gán cho cái mác "mọi rợ".
Theo Đài NHK, các nhà tuyển dụng tương lai cảm thấy xấu hổ khi ứng viên không cạo lông chân trước khi tham gia phỏng vấn. Ngoài ra, khuôn mặt không cạo râu cũng bị đưa vào điểm trừ nếu muốn có việc làm và sự nghiệp thăng tiến.
Nắm bắt thị hiếu này, Rayrole, một công ty tẩy lông, tuyên bố quy trình của họ có thể khiến đàn ông trông sạch sẽ, thông minh và chuyên nghiệp hơn ở nơi làm việc.
Một số chuyên gia đánh giá nguyên nhân của cơn sốt tẩy lông là do sự phát triển của công nghệ hiện đại tương đối không gây đau đớn, khiến việc "nhẵn nhụi" dễ dàng hơn rất nhiều.
Nỗi ám ảnh tẩy lông của Nhật Bản đã thu hút nhiều học giả nghiên cứu nó từ góc độ văn hóa xã hội lẫn thị trường. Nhật Bản xếp thấp nhất về mức độ hài lòng chung với ngoại hình của chính mình trong khảo sát 270.000 người từ 15 tuổi trở lên từ 22 quốc gia của GfK.
Điều này có vẻ kỳ lạ ở một đất nước mà mọi người thường dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để chải chuốt bản thân. Nhưng có lẽ tiêu chuẩn cái đẹp ở quốc gia này luôn ở mức cao, áp lực phải có vẻ ngoài hấp dẫn, hoặc chí ít là không xấu trong một đám đông trở thành ám ảnh, nên lúc nào người ta cũng thấy chưa thể hài lòng.