Chưa hài lòng với những gì đang có, Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu tăng mạnh lợi nhuận ở nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực anime và trò chơi điện tử.
Nhật Bản là một trong những "thế lực" thống trị thế giới trong lĩnh vực giải trí và nhận được sự công nhận quốc tế cho các thương hiệu anime và game trị giá hàng tỉ đô la như: Godzilla, One Piece, Dragon Ball, Pokémon và nhiều thương hiệu khác.
Theo Kyodo News, Nhật Bản đã thiết lập một sáng kiến được chính phủ quốc gia hỗ trợ để mở rộng vào thị trường giải trí ở nước ngoài. Đến năm 2033, quốc gia này hy vọng sẽ thu về thêm 20.000 tỉ yen (khoảng 129 tỉ đô la) doanh thu từ anime, manga và trò chơi điện tử.
Để đạt được cột mốc tài chính này, Nhật Bản sẽ phải tăng gần gấp bốn lần tổng doanh thu ở nước ngoài so với hiện tại, tức là tương đương khoảng 4.700 tỉ yen (tính đến năm 2022). Để biến mục tiêu này thành hiện thực, chính phủ đã khởi động lại một sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ được gọi với cái tên trìu mến "Cool Japan".
Được ra mắt lần đầu vào năm 2010, "Cool Japan" là một chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị có mục tiêu chính là tăng sức hấp dẫn quốc tế của Nhật Bản thông qua việc tham gia vào các ngành công nghiệp toàn cầu lớn như thời trang, nông nghiệp và giải trí.
Đến giữa năm 2024, Chính phủ Nhật Bản đã chọn ưu tiên mở rộng lĩnh vực giải trí bằng cách tìm kiếm các nghệ sĩ trẻ triển vọng và cải thiện cơ sở hạ tầng của các ngành công nghiệp hiện có để bảo vệ quyền của người sáng tạo và tài sản trí tuệ của họ.
Chiến lược này cũng hướng đến mục tiêu hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế để ngăn chặn các nỗ lực vi phạm bản quyền bên ngoài đất nước.
Nhật Bản đặt mục tiêu bảo vệ ngành công nghiệp Anime
Kyodo News mô tả một trong những mục tiêu trọng tâm của "Cool Japan" là nỗ lực "giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng nhằm hạn chế tiền lương trong ngành". Điều này đặc biệt có liên quan đến ngành công nghiệp hoạt hình hiện tại của Nhật Bản, nơi tiền lương thường bị than phiền là thấp.
Một số họa sĩ thậm chí còn cho biết họ chỉ được trả ít nhất là 220 yen (1,47 USD) cho mỗi lần vẽ. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Eiichiro Oda (One Piece) và Terumi Nishii (Jujutsu Kaisen 0) đã công khai giải quyết vấn đề này, cùng với một số vấn đề lớn khác đang gây khó khăn cho ngành.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào đầu năm nay, Nishii đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề lớn nhất mà các nhà làm phim hoạt hình toàn thời gian đang phải đối mặt, bao gồm khối lượng công việc khổng lồ và thiếu sự ủng hộ từ công đoàn trong những cải cách cơ bản.
Trong những năm gần đây, các nhóm ủng hộ hoạt hình như NAFCA (Hiệp hội Văn hóa phim Anime Nippon) đã nổi lên nhằm giải quyết những vấn đề này và các vấn đề lớn khác vốn là vấn đề đặc hữu của ngành hoạt hình tại nước này.
Diễn viên lồng tiếng anime đang "bị đe dọa" bởi trí tuệ nhân tạo
Ngoài việc hỗ trợ cải cách ngành giải trí và ngăn chặn vi phạm bản quyền quốc tế, "Cool Japan" còn hướng tới giải quyết các vấn đề về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo NAFCA, những chương trình này đang "đe dọa trực tiếp" cho các diễn viên lồng tiếng, họ đang có nguy cơ bị bất kỳ ai sử dụng lại giọng nói của mình mà không hề biết hoặc chưa cho phép.
Trong một bài phát biểu có tiêu đề "Quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên AI", NAFCA đã vẽ ra một bức tranh nghiệt ngã về những gì có thể xảy ra nếu không có sự giám sát thích hợp của chính phủ.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu AI tạo ra một nhân vật có đầu Đôrêmon, thân hình của Robot và giọng nói của Son Goku?" - một câu hỏi đáng quan tâm đã được đặt ra.
Nhận thấy nguy cơ lạm dụng AI ngày càng cao, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý xung quanh cái mà họ gọi là "diễn viên lồng tiếng AI" khi theo đuổi mục tiêu 20.000 tỉ yen ở nước ngoài.