Cách phòng tránh sốc nhiệt

1. Thế nào là sốc nhiệt?

Hằng năm, ở Nhật Bản có nhiều người được đưa tới bệnh viện do bị sốc nhiệt, và một số trường hợp thậm chí tử vong. Do vậy, sốc nhiệt có thể được coi như một loại "thảm họa". Trong loạt bài mới này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sốc nhiệt và cách phòng tránh.

Tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi trời không có gió, kết hợp với ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu trực tiếp, cùng với nhiệt độ và độ ẩm cao. Khi đó, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây thiếu nước và muối. Việc điều hòa thân nhiệt trở nên khó khăn, khiến thân nhiệt quá cao và gây sốc nhiệt. Tại Nhật Bản có hơn 1.000 người tử vong do sốc nhiệt vào năm trời nắng nóng gay gắt.

Một số triệu chứng chính của sốc nhiệt là chóng mặt, choáng váng và chuột rút chân. Ngoài ra cũng có các triệu chứng khác như toát mồ hôi không ngừng, đau đầu, buồn nôn và mệt mỏi. Tuy nhiên, mỗi người có biểu hiện khác nhau, và một số người có triệu chứng như không thể đứng dậy, khó thở, tê tay chân, tim đập mạnh, đau cơ và tiêu chảy.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 21/7/2022).
 



2. Cách chống sốc nhiệt

Tránh bị sốc nhiệt không phải là việc quá khó nếu chúng ta thực hiện các biện pháp sau đây trong cuộc sống hàng ngày.

1. Bù nước
Vào những ngày nóng ẩm, hãy uống nước và bổ sung muối khoáng natri thường xuyên trước khi cảm thấy khát.

2. Ngăn nắng chiếu vào phòng
Dùng mành hoặc rèm để che nắng chiếu trực tiếp vào phòng.

3. Khi ở ngoài trời, hãy đội mũ hoặc che ô.

4. Vận động cũng là một cách tốt để chống sốc nhiệt.
Chọn thời điểm trời mát và tập thể dục như đi bộ để cơ thể thích nghi với việc toát mồ hôi cũng là một cách hiệu quả phòng ngừa sốc nhiệt.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 22/7/2022).
 



3. Trẻ em và người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng

Trước hết, trẻ em dễ bị sốc nhiệt hơn vì chưa phát triển đầy đủ khả năng điều hòa thân nhiệt. Một lý do khác là do chiều cao không như của người lớn nên trẻ em dễ bị ảnh hưởng hơn khi nhiệt phản xạ từ mặt đất hất lên và phả vào người. Nếu nhiệt độ ở khu vực đỉnh đầu của người lớn là 32 độ C thì nhiệt độ đó sẽ là 35 độ C đối với trẻ em. Mức nhiệt này thậm chí cao hơn đối với trẻ trong xe đẩy. Vì vậy, vào những ngày nóng nực, trẻ em cần đội mũ, mang theo nước mát và tránh vui chơi lâu ngoài trời.

Người cao tuổi có thể mất nước mà không hay biết vì họ không cảm thấy nóng hoặc khát nhiều như những người trẻ tuổi và có thể không kịp bổ sung đủ nước. Họ sẽ dần ngừng toát mồ hôi, mất khả năng điều hòa thân nhiệt và bị sốc nhiệt. Người cao tuổi cũng có thể không sử dụng điều hòa nhiệt độ ngay cả khi trời ngột ngạt về đêm và không uống nước vì họ ngại khi phải đi vệ sinh ban đêm. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là những người xung quanh cần để ý tới người cao tuổi sống một mình hoặc sống cùng con cháu song thường phải ở một mình ban ngày.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 25/7/2022).
 



4. Tránh nóng

Nếu không tự tin về thể lực của mình hoặc có bệnh trong người, bạn không nên cố chịu đựng cái nóng mà hãy tìm cách tránh nóng. Hãy đặt một chiếc nhiệt kế ở nơi dễ nhìn, theo dõi dự báo thời tiết, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phòng thích hợp. Vào những ngày quá nóng, tránh ra ngoài, hãy bật điều hòa từ sáng để tạo môi trường thoải mái dễ chịu trong nhà với nhiệt độ phòng không quá 28 độ C và độ ẩm không quá 70%.

Nếu bật tắt máy điều hòa nhiều lần sẽ tốn điện hơn. Có thể tiết kiệm điện bằng cách để điều hòa chạy liên tục với nhiệt độ ở mức tương đối cao và để sức gió ở chế độ tự động. Nên để gió thổi về phía tường hoặc thổi theo chiều ngang để gió không thổi trực tiếp vào người. Nếu muốn thông khí hoặc có gió thổi vào người, hãy sử dụng thêm quạt điện.

Nếu nền nhiệt buổi đêm lên trên 25 độ trong nhiều ngày, nên bật điều hòa ở chế độ yếu cả đêm để ngủ ngon giấc, hôm sau có thể tránh được sốc nhiệt. Ngoài ra, cũng nên chú ý bù đủ nước, vì máy điều hòa làm cho không khí khô.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 26/7/2022).
 



5. Cách ăn uống

Để phòng tránh sốc nhiệt thì điều quan trọng là ăn đủ 3 bữa 1 ngày. Cần lưu ý là nếu ăn uống đúng cách, chúng ta sẽ có đầy đủ nước, muối và dưỡng chất trong cơ thể. Nên uống thường xuyên kể cả khi không khát. Không nên hạn chế uống nước trước khi đi ngủ chỉ vì ngại dậy đi vệ sinh vào ban đêm. Khi tỉnh giấc đi vệ sinh thì nên uống 1 cốc nước và uống thêm một cốc nữa lúc ngủ dậy.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 27/7/2022).
 



6. Nên theo dõi sức khỏe người cao tuổi

Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng đối với hiện tượng sốc nhiệt. Nếu không sống cùng người thân cao tuổi, bạn nên thăm hỏi họ hằng ngày. Hãy đặc biệt cẩn thận nếu họ nói rằng bị chán ăn hoặc cảm thấy mệt mỏi. Hãy đưa người cao tuổi đi khám bác sĩ nếu họ cảm thấy không khỏe. Điều quan trọng là phải ứng phó nhanh chóng. Bạn cũng có thể thăm hỏi những người hàng xóm cao tuổi sống một mình, các cặp vợ chồng cao tuổi và người cao tuổi sống với con của họ.

(Thông tin được cập nhật đến ngày 28/7/2022).
 



7. Các phương pháp sơ cứu chính

Trong phần cuối của loạt bài nói về sốc nhiệt, chúng tôi tập trung vào việc cần làm gì để sơ cứu cho người trong gia đình hoặc hàng xóm bị sốc nhiệt. Nhưng điều cần thiết vẫn là phải gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu thấy người bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng như bị mất ý thức.

Dưới đây là những điểm chính cần làm để sơ cứu.

1. Để bệnh nhân nằm trong phòng mát mẻ hoặc trong bóng râm.

2. Để chân của bệnh nhân cao hơn đầu. Cởi tất chân và nới lỏng quần áo.

3. Làm mát bằng cách quạt, và đặt các gói đá hoặc khăn ướt lên người bệnh nhân. Ta có thể làm mát một cách hiệu quả bằng cách đặt gói đá ở các bộ phận của cơ thể nơi có các động mạch chính chạy gần bề mặt da, chẳng hạn như gáy, nách hoặc háng.

4. Cho bệnh nhân uống nước pha muối, uống từng chút một. Hãy để cho người bệnh nhân uống theo khả năng của họ. Đừng ép bệnh nhân uống vì như vậy sẽ có nguy cơ bị sặc và dẫn tới viêm phổi.

5. Đưa bệnh nhân đi bệnh viện nếu các triệu chứng của người đó không cải thiện.

Giáo sư Miyake Yasufumi, người đứng đầu trung tâm dịch vụ y tế cấp cứu tiên tiến tại Bệnh viện Đại học Teikyo là người phụ trách loạt bài nói về sốc nhiệt này.

 Nguồn: NHK

Danh mục tin

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang