Ác mộng của con nuôi gốc Hàn bị trục xuất sau 37 năm sống ở Mỹ

Thứ ba, 29/10/2024, 15:59 (GMT+7)

Ác mộng của con nuôi gốc Hàn bị trục xuất sau 37 năm sống ở Mỹ

Adam Crapser được đưa từ Hàn Quốc sang Mỹ vào năm 4 tuổi nhưng bố mẹ nuôi không làm thủ tục nhập tịch cho anh, khiến anh bị trục xuất sau 37 năm sống ở Mỹ.

Adam Crapser sinh ra ở Hàn Quốc, được một gia đình ở Michigan nhận nuôi năm 1979 khi lên 4 tuổi. Crapser bị cha mẹ nuôi bỏ rơi vào những năm 1980.

Cậu bé sau đó chuyển qua lại nhiều nhà nuôi dưỡng tình thương, trước khi được một cặp vợ chồng khác nhận nuôi năm 1989. Trong suốt những năm này, không ai làm thủ tục nhập tịch cho Crapser.

Năm 1992, khi Crapser 17 tuổi, cặp vợ chồng nói trên bị kết tội ngược đãi, bạo hành con nuôi. Crapser có các tiền án trộm cắp, tấn công, tàng trữ vũ khí trong khi phải vật lộn với cảm giác xa cách với nơi mà anh kỳ vọng "là nhà".

"Tôi lớn lên mà không tiếp xúc với người gốc Hàn. Tất cả những gì tôi biết là văn hóa Mỹ, không biết gì về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. Cha mẹ nuôi cố tình không cho tôi tiếp xúc những thứ này", Crapser nói.

Vượt qua quá khứ bất hảo, anh mở một tiệm cắt tóc, một cửa hàng vải bọc đồ nội thất và kết hôn với người Mỹ gốc Việt Anh Nguyen. Hai vợ chồng và hai con sống tại Vancouver, Washington.

Năm 2012, Crapser nộp đơn xin gia hạn thẻ xanh đã hết hạn, nhưng các quan chức di trú cho biết các tiền án thời trẻ của anh bị coi là vi phạm tư cách thường trú nhân. 4 năm sau, Crapser thua kiện, bị trục xuất về Hàn Quốc và bị cấm quay lại Mỹ trong 10 năm.

Adam Crapser cùng vợ và hai con tại nhà riêng ở Mỹ năm 2016. Ảnh: CNN

Adam Crapser cùng vợ và hai con tại nhà riêng ở Mỹ năm 2016. Ảnh: CNN

  •  
  •  
  •  
  •  

"Các quan chức di trú nói tôi phạm nhiều sai lầm, dính líu nhiều rắc rối ở Mỹ. Tôi thừa nhận điều đó, nhưng tôi đã gắng hết sức để có thể sống ở nước này khi không có người thân, không đồng hương nào xung quanh", Crapser, hiện 49 tuổi, nói.

Luật sư của Crapser cho biết các tiền án không phản ánh đầy đủ thực tế rằng Crapser liên tục bị bạo hành, bỏ rơi thời niên thiếu, nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của con nuôi quốc tế.

Sau khi bị trục xuất và cấm đến Mỹ trong 10 năm, Crapser theo đuổi nhiều con đường pháp lý để được đoàn tụ với các con. Anh đã không được gặp con gái 10 tuổi từ năm 2017. Anh có thể nộp đơn xin miễn trừ trong hai năm, nhưng không rõ quá trình xét duyệt tốn bao lâu, trong khi việc cố gắng quay lại Mỹ có thể dẫn đến lệnh cấm suốt đời.

"Quả là ác mộng. Tôi bị kẹt ở nơi sinh ra mà tôi còn không biết ngôn ngữ. Tôi đã thử nhiều cách để quay lại Mỹ sớm hơn nhưng không thành. Còn các con tôi nữa, chúng xứng đáng có một gia đình. Tôi muốn ở bên nuôi nấng các con, cho chúng cuộc sống mà tôi không có", Crapser nói.

 

 

Năm 2019, Crapser đi vào lịch sử khi là con nuôi đầu tiên kiện chính phủ Hàn Quốc và cơ quan điều phối quá trình nhận nuôi Holt Children's Services. Anh yêu cầu bồi thường, lập luận quy trình nhận con nuôi sai sót đã làm đảo lộn cuộc sống của mình.

Holt Children's Services không trả lời các yêu cầu bình luận. Trong khi đó, Holt International thừa nhận có những trường hợp nhận nuôi không đúng nguyên tắc vào những năm 1980, lưu ý Holt Children's Services đã tách khỏi tổ chức mẹ vào năm 1977.

Năm 2023, tòa án ở Hàn Quốc ra phán quyết Holt Children's Services phải bồi thường cho Crapser 72.300 USD do không thông báo cho cha mẹ nuôi ở Mỹ về các bước cần thiết để đảm bảo quốc tịch cho con.

Tòa án Quận Trung tâm Seoul sau đó bác các khiếu nại bổ sung của Crapser, cho rằng chính phủ không có trách nhiệm trong sự việc. Crapser và Holt đều đệ đơn kháng cáo, trong đó Holt khẳng định họ không có nghĩa vụ pháp lý phải đảm bảo quốc tịch cho Crapser.

Tòa thượng thẩm Seoul sẽ ra phán quyết ngày 8/1/2025.

Adam Crapser tại Seoul, Hàn Quốc hồi năm 2019. Ảnh: AP

Adam Crapser tại Seoul, Hàn Quốc hồi năm 2019. Ảnh: AP

Trong khi đó, tại Mỹ, một dự luật có thể cấp cho Crapser quốc tịch vẫn đình trệ tại quốc hội.

Dự luật tên Đạo luật Quốc tịch của Con nuôi năm 2024, có thể lập tức cấp quyền công dân cho con nuôi quốc tế, vá lỗ hổng của Đạo luật Quốc tịch Trẻ em năm 2000, trong đó loại trừ những con nuôi trên 18 tuổi. Khi luật này được thông qua, Crapser đã 25 tuổi nên không được cấp quốc tịch.

Dự luật đã được chuyển đến Ủy ban Tư pháp của lưỡng viện Mỹ, nhưng gần như không có khả năng tiến triển trong thời gian còn lại của quốc hội Mỹ khóa 118, kết thúc vào tháng 1/2025, khi Mỹ đang tổ chức bầu cử tổng thống.

"Chúng tôi hy vọng dự luật cực kỳ cần thiết này sẽ được thông qua trong khóa mới để thành luật", nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, người đồng bảo trợ dự luật, nói.

"Hàng chục nghìn con nuôi quốc tế như Crapser rơi vào thế bấp bênh vì không có quốc tịch do luật hiện hành. Quốc hội cần vá lỗ hổng này", nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, một quan chức khác bảo trợ dự luật và là cha của hai con nuôi, nói.

Danh mục tin
Tags

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang