Những phụ nữ Hàn Quốc từ chối sinh con

Áp lực sự nghiệp, gánh nặng tài chính, bất bình đẳng giới khi nuôi dạy trẻ là những lý do khiến nhiều phụ nữ Hàn chọn "độc thân vui vẻ".

Vào một ngày mưa gió, Yejin nấu bữa trưa cho bạn bè tại căn hộ, nơi cô sống một mình ở ngoại ô Seoul. Khi cả nhóm dùng bữa, một người giơ ảnh chế một con khủng long hoạt hình trên điện thoại.

"Cẩn thận, đừng để bị tuyệt chủng như tôi", dòng thoại của con khủng long có đoạn, khiến cả nhóm phá lên cười.

"Thật hài hước, nhưng đen tối, vì chúng tôi đều biết chúng tôi có thể khiến mình 'tuyệt chủng'", Yejin, nhà sản xuất truyền hình 30 tuổi, nói. Cô và các bạn trong nhóm đều không có ý định sinh con. Họ là một phần trong cộng đồng ngày càng nhiều phụ nữ Hàn quyết định sống không con cái.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vốn thấp nhất thế giới, tiếp tục giảm năm thứ 4 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 0,72 năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 2,1 để đảm bảo dân số ổn định.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế, hệ thống phúc lợi xã hội và an ninh Hàn Quốc, buộc giới chức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Nếu xu hướng này tiếp tục, Hàn Quốc sẽ giảm một nửa dân số vào cuối thế kỷ 21. Trong 50 năm tới, số dân trong tuổi lao động cũng giảm một nửa, số người đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ giảm 58% và gần một nửa dân số Hàn sẽ trên 65 tuổi.

Hàn Quốc đã chi hơn 286 tỷ USD cho công tác khuyến sinh từ năm 2006, nhưng không thể đảo ngược xu hướng.

Các cặp vợ chồng sinh con được trợ cấp tiền, từ trợ cấp hàng tháng, nhà ở cho đến taxi miễn phí. Hóa đơn bệnh viện, thụ tinh ống nghiệm (IVF) được chính phủ chi trả. Hàn Quốc cũng đang triển khai đa dạng các biện pháp, như thuê bảo mẫu Đông Nam Á, miễn nghĩa vụ quân sự cho nam giới nếu sinh ba con trước tuổi 30.

Nhưng các biện pháp không đem lại hiệu quả. Yejin quyết định không kết hôn, không sinh con từ 5 năm trước, chọn tập trung vào sự nghiệp.

Cô cho rằng rất khó để tìm một người đàn ông có thể chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái bình đẳng ở Hàn Quốc. Công việc cũng không cho phép cô dành đủ thời gian nuôi con.

Giờ làm việc ở Hàn Quốc nổi tiếng dài. Yejin làm việc từ 9h, thường không rời văn phòng trước 20h, chưa kể giờ làm thêm. Về nhà, cô chỉ đủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục một chút trước khi đi ngủ. "Tôi yêu công việc, nhưng làm việc ở Hàn Quốc giống một vòng quay không ngừng nghỉ".

Yejin và nhóm bạn cũng chung nỗi sợ mất việc nếu nghỉ làm để sinh con, cho rằng các công ty Hàn Quốc có "áp lực ngầm" này. Em gái và hai đồng nghiệp của cô đã phải nghỉ việc sau khi sinh con. Một phụ nữ 28 tuổi giấu tên làm trong ngành nhân sự cũng nói rằng từng chứng kiến nhiều người bị buộc phải bỏ việc hoặc không được thăng tiến sau khi nghỉ thai sản.

Nam giới và nữ giới ở Hàn Quốc đều có quyền nghỉ phép một năm trong 8 năm đầu đời của con cái. Nhưng năm 2022, chỉ 7% các ông bố nghỉ phép theo diện này, so với 70% các bà mẹ.

Phụ nữ Hàn có trình độ học vấn cao nhất trong các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng chênh lệch thu nhập theo giới tính ở nước này cũng thuộc hàng cao nhất. Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp cũng cao hơn so với nam giới. Theo giới chuyên gia, tình trạng này cho thấy phụ nữ đang phải lựa chọn giữa sự nghiệp và lập gia đình. Và ngày càng nhiều người chọn sự nghiệp.

Stella Shin đang dạy một lớp học tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi. Ở tuổi 39, Stella chưa có con sau 6 năm kết hôn. Hai vợ chồng đều muốn có con, nhưng quá bận rộn vì công việc.

"Các bà mẹ thường phải nghỉ việc để chăm sóc con toàn thời gian trong hai năm đầu, điều này khiến tôi căng thẳng. Tôi yêu sự nghiệp và muốn chăm sóc cho bản thân", Stella nói.

Trong thời gian rảnh, cô tham gia các lớp học nhảy K-pop với một nhóm phụ nữ lớn tuổi hơn. Ngay cả khi Stella muốn bỏ việc hoặc sinh con trong khi đi làm, cô cũng không đủ khả năng kinh tế vì chi phí nhà ở quá cao.

Hơn một nửa dân số Hàn Quốc sống trong hoặc xung quanh thủ đô Seoul, tạo áp lực lớn lên thị trường nhà ở và các nguồn lực xã hội. Vợ chồng Stella ngày càng bị đẩy xa khỏi thủ đô, phải chuyển đến sống ở các tỉnh lân cận, song vẫn không thể mua được chỗ ở cho riêng mình.

Chi phí giáo dục cho trẻ cũng là một vấn đề lớn. Từ 4 tuổi, trẻ em Hàn Quốc thường được cha mẹ cho theo học một loạt các lớp ngoại khóa đắt đỏ, từ toán, tiếng Anh, âm nhạc cho đến Taekwondo.

Xu hướng này phổ biến đến mức trẻ em có thể bị coi là thất bại nếu không theo học các lớp này, khiến chi phí nuôi dạy trẻ ở Hàn Quốc thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc năm 2022 cho thấy chỉ 2% phụ huynh không chi trả cho những cơ sở giáo dục tư nhân, trong khi 94% cho rằng đây là gánh nặng tài chính.

Stella hiểu rõ gánh nặng này, bởi cô đang giảng dạy tại một trong các cơ sở tương tự. Stella chứng kiến các phụ huynh phải trả tới 890 USD học phí mỗi tháng, nhiều người không có khả năng chi trả. "Khi ở bên đám trẻ, tôi cũng muốn có con, nhưng tôi đã chứng kiến quá nhiều vấn đề", cô nói.

Những đặc tính này của nền giáo dục Hàn Quốc không chỉ gây áp lực lên ví tiền phụ huynh mà còn gây ám ảnh, khiến một số phụ nữ không muốn sinh con.

Minji, sống cùng chồng tại Busan, đã "dành cả đời để học tập", đầu tiên là để vào một trường đại học tốt, sau đó là tham gia kỳ thi công chức, rồi nhận công việc đầu tiên ở tuổi 28.

Cô nhớ lại những năm tháng phải ngồi lớp luyện thi đến khuya để học toán, môn cô học không tốt và không hứng thú, trong khi ước mơ trở thành một nghệ sĩ. "Tôi đã phải cạnh tranh không ngừng nghỉ đến kiệt quệ, không phải để đạt ước mơ mà chỉ để sống một cuộc sống tầm thường", Minji nói.

Ở tuổi 32, cô mới cảm thấy tự do, tận hưởng sở thích du lịch và học lặn biển. Cô không sinh con vì sợ đứa trẻ có thể lâm vào tình cảnh như thời thơ ấu của mẹ. Hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ chuyện con cái, nhưng chồng dần chấp nhận nỗi ám ảnh của vợ.

"Hàn Quốc không phải nơi trẻ em có thể sống hạnh phúc. Đôi khi tôi mủi lòng vì chồng, nhưng rồi lại nhớ về thời thơ ấu của mình", Minji nói.

Danh mục tin
Tags

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang