1. “Bạn nhất định sẽ được cấp visa thẳng”
Tâm lý của hầu hết mọi người đều muốn con em trong khi đang chuẩn bị sang du học Hàn Quốc sẽ được cấp luôn visa thẳng. Bởi lẽ chỉ khi đăng ký nhập học tại những trường top 1% tại Hàn Quốc, visa sẽ được ưu tiên cấp thẳng và mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng.
Thế nhưng không phải bất kỳ trung tâm tư vấn du học nào cũng có thể thực hiện được “con đường màu hồng” đó cho bạn. “Visa thẳng” sẽ là chiêu bài các trung tâm “vẽ” ra và khiến bạn bị thu hút chứ khó có thể thực hiện trong thực tế. Thông thường, 2 nguyên nhân chính có thể kể đến khiến “visa thẳng” bất khả thi là:
- Trung tâm tư vấn du học cho bạn không đủ tiềm năng để ký kết với các trường học top 1% tại Hàn Quốc.
Nhu cầu có visa thẳng luôn rất lớn, đồng nghĩa với việc các trung tâm tư vấn du học cung thường lấy điều này là “miếng mồi” để thu hút bạn. Nhiều trường hợp những trung tâm không đủ tiềm lực ký kết với các đại học lớn nhưng vẫn tư vấn cho bạn một lộ trình sao cho “visa thẳng” chắc chắn sẽ xuất hiện. Rồi trên thực tế thì đây chỉ là chiêu trò để các trung tâm “lừa giữ” các giấy tờ, hồ sơ quan trọng của bạn.
- Luật lệ về việc cấp Visa thẳng được quy định nhóm đối tượng, khu vực riêng.
Cụ thể, Đại sứ quán Hàn Quốc có các quy định rất nghiêm ngặt: Các thí sinh có hộ khẩu, KT3 từ Đà Nẵng, Huế trở vào đến hết miền Nam Việt Nam không được cấp visa thẳng.
Có rất nhiều trung tâm biết được luật lệ này nhưng vẫn tư vấn cho bạn cách “lách luật”: Gợi ý cho bạn chuyển khẩu/chuyển KT3 sang các tỉnh thuộc khu vực từ Quảng Trị trở ra hết miền Bắc Việt Nam để hợp lệ.
Thế nhưng bạn nên nhớ rằng: Đây là một cái bẫy nguy hiểm. Đại sứ quán Hàn Quốc đã ra quy định: Những ứng viên dù chuyển khẩu/làm KT3 sang các tỉnh thuộc khu vực từ Quảng Trị trở ra hết miền Bắc Việt Nam cũng vẫn sẽ không được xét duyệt cấp visa thẳng nếu thực hiện chuyển khẩu/làm KT3 đó sau khi học xong THPT.
Mục đích duy nhất để các trung tâm này làm vậy để kéo dài quá trình tư vấn và chuẩn bị cho bạn sang Hàn Quốc. Trong quá trình làm hồ sơ, các giấy tờ quan trọng của bạn đã được họ nắm giữ, cứ bất kỳ một công đoạn nào chúng cũng có thể “hét giá”, làm tiền mà bạn thì không thể phản kháng.
"Cấp visa thẳng" thường là chiêu trò lừa đảo phổ biến khi ứng viên muốn du học Hàn Quốc
2. Chuyển đổi sang visa E7 rất dễ dàng
Thực tế, visa E7 là visa cấp cho đối tượng dạng kỹ sư, lao động có tay nghề và thâm niên cao tại Hàn Quốc, đã được các doanh nghiệp nước này đưa ra lời mời hợp tác trong thời gian tính bằng năm. Không hề có một trường học nào tại Hàn Quốc có thẩm quyền để cấp visa E7 hoặc được ưu tiên cấp loại visa này sau khi tốt nghiệp.
Như đã đề cập, visa E7 là loại visa dành cho người lao động có trình độ ưu việt và đã có thời gian công tác, phục vụ tại Hàn nhất định. Chỉ có trường hợp duy nhất được ưu tiên xét duyệt visa E7 là khi bạn lựa chọn hình thức du học nghề, và vẫn buộc phải đảm bảo có thời gian công tác tại nước này ít nhất là 2 năm.
Vì thế khi bất kỳ một trung tâm du học nào đưa ra lời mời hấp dẫn về visa E7, bạn cần tỉnh táo để nhận định rằng đây là một lời lừa đảo.
3. Qua Hàn Quốc hệ vừa làm vừa học, lấy bằng tốt nghiệp dễ dàng
Trên thực tế, không có hệ nào được gọi là “hệ vừa làm vừa học” khi du học Hàn Quốc. Chính phủ nước này cho phép du học sinh được làm thêm hợp pháp sau giờ lên lớp. Miễn là bạn đảm bảo được phong độ học tập, thời gian lên lớp và không vi phạm pháp luật.
Thế nhưng bạn cũng cần nhớ một điều: Hàn Quốc là một trong những quốc gia có áp lực học hành, thi cử có thể xếp hàng đầu thế giới. Chưa kể đến việc bạn có thể lấy được bằng đại học dễ dàng hay không, việc bạn có thể trụ lại nước này, không bỏ cuộc vì áp lực học tập đã là khó nói.
Chưa kể đến, các tiếu chuẩn đầu vào các trường đại học tại Hàn cũng không thấp: không có môn nào yếu, điểm trung bình môn từ 6.0 và trình độ tiếng hàn đạt TOPIK 3. Có thể nhiều bạn đi du học nhưng chưa nắm rõ các kiến thức về hình thức du học sẽ lầm từ visa du học đại học với các loại visa du học nghề, du học tiếng và du học chuyên ngành. Các loại visa đó sẽ không thể nhập học bậc đại học ngay được.
Vì thế những lời đương mật như “Qua Hàn là du học bậc đại học ngay, vừa làm vừa học dễ dàng” đều không phải là thật.
4. Sức khỏe không tốt vẫn có thể sáng Hàn du học, làm việc
Sức khỏe cộng đồng là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này nghiêm cấm tuyệt đối những trường hợp nhập cảnh mang theo các nguồn bệnh có tính lây nhiễm và tử vong cao như cúm, lao phổi, H5N1, H7N2,... Các bệnh tình dục có tính lây nhiễm như HIV, lậu, giang mai,.. cũng không được phép nhập cảnh.
Dù bạn có khám sức khỏe tại Việt Nam sẵn, sang đến Hàn Quốc bạn chắc chắn phải bị kiểm tra lại. Vì thế dù có “giấu bệnh” thì bạn cũng không thể sang Hàn một cách trót lọt. Vậy nên nếu có trong người những biểu hiện của bệnh mà vẫn được các trung tâm, người môi giới hứa hẹn du học thuận lợi thì bạn nên suy xét đến việc dừng hợp tác vì đây là lừa đảo.
Sức khỏe cộng đồng là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại Hàn Quốc
5. Không cần chứng minh tài chính vẫn đi du học Hàn Quốc bình thường
Điều này là hoàn toàn sai sự thật. Du học Hàn quốc trừ trường hợp bạn đã từng tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng tại nước này rồi thì mới được miễn chứng minh tài chính lần nữa. Còn lại khi muốn du học nước này, không cần biết là theo diện du học nào, bạn chắc chắn vẫn phải chứng minh về tài chính du học của bạn hoặc người bảo lãnh. Hầu hết các diện du học đều yêu cầu bạn cần có ít nhất 10.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, minh chứng mức độ thu nhập hàng tháng thật minh bạch. Nếu không có các giấy tờ về chứng minh tài chính, hồ sơ để du học Hàn Quốc chắc chắn sẽ không thể hoàn thiện.
6. Công việc làm thêm nhàn tản, lương rất cao
Như đã đề cập, Hàn Quốc cho phép du học sinh làm thêm sau giờ học một cách hợp pháp. Tuy nhiên bạn cần ghi nhớ những điều này:
- Không một trường học nào sẽ giới thiệu việc làm cho bạn
- Hàn Quốc cho phép du học sinh làm thêm không giới hạn vào các kỳ nghỉ (đông, hè) và các dịp lễ tết, cuối tuần.
- Nếu là ngày thường, có chương trình học, bạn không được phép làm thêm quá mức 4h/ngày.
- Tuyệt đối không được để việc làm thêm gây ảnh hưởng đến việc học
Bạn cần minh bạch rằng bạn sẽ phải tự tìm kiếm và duy trì việc làm thêm nếu có nhu cầu, sẽ không có việc trường giới thiệu việc làm thêm cho bạn.
Thêm một “lời nói dối ngọt ngào” khác nữa khi các trung tâm, người môi giới “vẽ” ra cho bạn rằng: Đi làm thêm bên Hàn Quốc lương rất cao, có thể chạm mốc 40 hay 50 triệu/tháng. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng: Dù việc làm thêm tại Hàn rất dễ xin, nhưng đồng nghĩa với các công việc dễ xin là lương không mấy cao; còn nếu lương cao thì các điều kiện công việc cũng không còn đơn giản nữa.
Các công việc phổ biến khi các du học sinh mới “chân ướt chân ráo” sang Hàn lựa chọn là phục vụ tại các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi,... Những công việc này khá đơn giản nhưng khối lượng làm việc lại lớn. Mức lương cho các công việc này cũng chỉ có thể quanh quẩn đạt mức 18-20 triệu/tháng.
Còn nếu bỗng nhiên bạn nhận được các lời mời làm “việc nhẹ lương cao” đầy hấp dẫn, thì bạn cũng vẫn nên cẩn trọng. Nếu không rõ ràng được công việc làm gì, điều kiện và nội dung công việc ra sao, rất có thể bạn sẽ bị dụ dỗ vào các con đường phạm pháp, đánh mất tương lai.
Lời khuyên cho bạn là nếu muốn tìm một công việc làm thêm tốt, phù hợp với thời gian học tập thì nên có nền tảng tiếng Hàn tốt, có các kỹ năng đặc biệt để phát triển thì mới mong có được thu nhập cao tại đất nước này.
Nếu bỗng nhiên bạn nhận được các lời mời làm “việc nhẹ lương cao” đầy hấp dẫn, thì bạn cũng vẫn nên cẩn trọng
7. Chi phí du học rẻ, có thể làm giả giấy tờ để “lách luật”
Du học “rẻ” hay “mắc” là một câu hỏi mà chỉ riêng từng gia đình, từng điều kiện mới có thể tự trả lời được. Nhưng khi nói đến điều này, hầu hết các gia đình không mấy khá giả sẽ “mủi lòng” ngay khi nhìn thấy những banner, áp phích quảng cáo “Du học Hàn trọn gói chỉ 1xx triệu”.
Thực tế, rất khó để thực hiện được điều này. Các chi phí du học ngoại trừ các mức cố định như chi phí hồ sơ, vé máy bay, tiền học phí,... thì các chi phí phát sinh trước và sau sang Hàn đều rất lớn. Chính vì thế chính phủ Hàn Quôc mới yêu cầu hồ sơ du học phải chứng minh được bạn có ít nhất 10.000 USD trong tài khoản tiết kiệm.
Các trung tâm người môi giới khi đưa ra chiêu bài “du học rẻ”, số tiền cần bỏ ra rất ít thì thực chất chỉ là lừa đảo. Bởi lẽ khi bạn đã “vào lò”, chúng sẽ tha hồ thu các mức phí như đào tạo tiếng, phí làm hồ sơ,... vượt con số đã hứa hẹn rất nhiều. Và bạn thì lại hoàn toàn bị động do giấy tờ, công sức đã bỏ ra trước đó quá nhiều, không muốn “gãy gánh giữa đường”.
Họ sẽ tìm cách “làm tiền” bạn từng điều nhỏ nhặt, thậm chí liều lĩnh gợi ý cho bạn việc làm giả hồ sơ. Từ cấp visa giả, bằng cấp giả, sửa học bạ,... hòng “qua mặt” việc xét duyệt du học Hàn Quốc. Thế nhưng đây là những hành động rất liều lĩnh, mang lại hậu quả khôn lường về sau.
Có những trung tâm, người môi giới cũng rất tinh vi. Họ dựa vào luật chứng minh tài chính khi du học Hàn để yêu cầu bạn giao ra 10.000 USD. Sau đó họ sẽ lấy lí do là sau khi làm xong chứng minh tài chính, họ đã gửi tiết kiệm cho bạn để làm sổ đóng băng, khi bạn sang Hàn sẽ sử dụng được số tiền đó. Tuy nhiên thật ra lại là chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt số tiền bạn đã nộp.
Hãy cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo khi du học Hàn Quốc