Mỗi ngày, ông Cho Sung-whoi, 71 tuổi, đều đón tàu điện ngầm rồi men theo lối đi bộ tìm đến địa chỉ nhà khách giao hàng.
Xong việc, ông lại trở về công ty nhận đơn tiếp theo. Phương tiện công cộng miễn phí cho người trên 65 tuổi đã trở thành điểm thuận lợi cho những lao động cao tuổi như Cho Sung-whoi.
Một số đơn vị vận chuyển ở Hàn Quốc cũng đã chuyển sang thuê người già để tiết kiệm chi phí. Ông Sung-whoi từng là kỹ sư, nay trở thành một trong 10 người được gọi là "shipper tóc bạc" của công ty giao hàng. Họ nhận 30 USD nếu làm việc cả ngày và 18-20 USD cho mỗi buổi.
"Tôi có thể nghỉ bất cứ khi nào muốn, thuận lợi lớn nhất của công việc này là sự tự do", ông nói.
Trong cuộc họp báo ngày 9/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi đi cùng với cam kết tăng lương hưu.
Hàn Quốc hiện có 25% người trên 70 tuổi đang làm việc và 40% chấp nhận công việc ít kỹ năng chuyên môn. Người trên 65 tuổi đã chiếm 19% dân số và dự kiến đạt 44% vào năm 2050.
Ông Cho từng thử đi du lịch nhiều nơi sau khi nghỉ hưu nhưng cảm thấy vô nghĩa. Một người bạn giới thiệu ông công việc hiện tại như cách cải thiện sức khỏe và ít nhất, ông cũng có thêm một số tiền.
Tương tự, bà Kim Nan-hyang, 69 tuổi, dành cả đời chăm sóc con cháu và cảm thấy tuổi hưu của mình bị chôn vùi.
"Tôi muốn ra ngoài gia nhập với cộng đồng xã hội", bà nói. "Ít nhất là để biết được bản thân có khả năng gì và khám phá những con đường mới".
Kim Nan-hyang tìm đến Trung tâm hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul. Bà mong đợi các công việc như phê bình, hướng dẫn viên ở bảo tàng kim chi nhưng không có bất kỳ kinh nghiệm liên quan.
Người phụ nữ nghĩ mình có thể tham gia các hoạt động xã hội nhưng nó sẽ ý nghĩa hơn nếu tạo ra tiền. Nó giúp bà cảm thấy tự hào về khả năng của mình. Do đó, bà Kim nghĩ đến việc bắt đầu cơ sở kinh doanh.
Bà Park Joo-im, giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi Seoul, nói người cao tuổi thường muốn mình có đóng góp cho xã hội hoặc tạo ra sự khác biệt ở nơi làm việc. Họ thường bắt đầu bằng các câu hỏi như Tôi có thể làm việc không? hoặc Có nơi nào thuê người cao tuổi không?
Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ người già sống dưới mức nghèo cao nhất trong 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cụ thể, trong 10 người già ở Hàn Quốc sẽ có bốn người rơi vào tình cảnh khó khăn kinh tế và không thể nghỉ hưu.
Giáo sư Jung Jae Hoon, ngành phúc lợi xã hội, Đại học nữ Seoul cho rằng thay vì chỉ cung cấp công việc, các chính sách trong tương lai nên tập trung hướng việc làm phù hợp với thị trường. Ví dụ như hỗ trợ họ làm chủ doanh nghiệp hoặc khuyến khích khởi nghiệp, đồng thời tuổi nghỉ hưu cũng cần được điều chỉnh linh hoạt.
Hiện nay, hơn 50% việc làm mới được tạo ra ở Hàn Quốc do người cao tuổi đảm nhiệm. Ngược lại, chỉ có 1% dành cho nhóm ở độ tuổi 20 theo số liệu năm 2022.
Khi các công đoàn thúc giục tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa một cuộc đua việc làm mới giữa người cao tuổi và thanh niên cũng được mở ra.