Một trong những khó khăn đối với người học tiếng Hàn là trong tiếng Hàn Quốc có rất nhiều cấu trúc ngữ pháp tương tự nhau, cùng để diễn đạt một ý nghĩa. Vì vậy việc nắm rõ ý nghĩa, cách dùng của từng ngữ pháp cụ thể là rất cần thiết để tránh việc sử dụng nhầm lẫn giữa các cấu trúc. 아/어서 và (으)니까 là hai ngữ pháp gây khó khăn nhiều nhất đối với người học, nhất là đối với những bạn mới bắt đầu học tiếng Hàn. Hãy cùng tìm hiểu và phân biệt 2 ngữ pháp trên qua bài viết dưới đây.
1. Giống nhau
Mệnh đề trước là lí do, nguyên nhân cho mệnh đề sau.
Ví dụ:
배가 아파서 병원에 갔습니다. (Vì đau bụng nên đã đến bệnh viện)
Trong ví dụ trên ta thấy: mệnh đề trước “đau bụng” là nguyên nhân cho mệnh đề sau “đến bệnh viện”.
그분이 한국에서 오래 살았으니까 한국말을 잘 합니다.(Vì sống ở Hàn Quốc đã lâu nên anh ta nói tiếng Hàn giỏi)
Trong ví dụ này mệnh đề “sống ở Hàn Quốc đã lâu” là lý do cho mệnh đề “anh ta nói tiếng Hàn giỏi”.
2. Khác nhau
2.1 Trong khi 아/어서 biểu hiện một lý do thông thường, lý do mang tính khách quan thì (으)니까 lại mang ý nhấn mạnh cảm xúc, suy nghĩ mang tính chất cá nhân của người nói.
Ví dụ:
배가 아파서 병원에 갔습니다. (Vì đau bụng nên đã đến bệnh viện.)
Trong ví dụ này chỉ thể hiện một lý do thông thường nên ta sử dụng 아/어서.
제가 잘못했으니까 제가 사과하겠습니다. (Tôi có lỗi nên tôi đã xin lỗi.)
Trong ví dụ này thể hiện ý nghĩa chủ quan của người nói nên ta sử dụng (으)니까.
2.2 Mệnh đề sau 아/어서 không dùng với đuôi kết thúc mang ý nghĩa yêu cầu, mệnh lệnh, còn sau (으)니까 thì có thể sử dụng được.
Ví dụ:
오늘은 날씨가 추우니까 옷을 많이 입으세요. (O)
오늘은 날씨가 추워서 옷을 많이 입으세요. (X)
(Hôm nay trời lạnh nên hãy mặc nhiều áo vào.)
2.3 Gốc động từ gắn trước 아/어서 không có yếu tố biểu thị quá khứ và tương lai còn với (으)니까 thì có thể sử dụng thì quá khứ hoặc tương lai.
Ví dụ:
한국에서 살았으니까 한국어를 잘해요. (O)
한국에서 살았어서 한국어를 잘해요. (X)
(Vì đã sống ở Hàn Quốc nên tôi nói tiếng Hàn tốt.)
2.4 Trong trường hợp hai mệnh đề có mối quan hệ về trật tự trước sau thì dùng 아/어서. Trước 아/어서 là động từ. Đuôi kết thúc của mệnh đề sau không bị giới hạn (có thể dùng bất cứ thời thể nào).
Ví dụ:
시장에 가서 여러 가지 물건을 삽니다. (Tôi đi chợ và mua vài món đồ.)
이 의자에 앉아서 잠깐만 기다리십시오. (Bạn hãy ngồi vào ghế và chờ trong giây lát.)
2.5 Ta dùng (으)니까 khi hai mệnh đề có tính liên tục về mặt thời gian, mệnh đề trước là sự phát hiện hay sự xác nhận một tình huống để làm cơ sở nhận xét ở mệnh đề sau. Lúc này chủ ngữ trước là người nói và chủ ngữ sau thường khác với chủ ngữ trước.
Ví dụ:
김 선생님을 만나보니까 아주 좋은 분이더군요. (Khi tôi tiếp xúc với cô Kim thì biết cô ấy là người tốt.)
집에 가니까 친구의 편지가 있었습니다. (Lúc về đến nhà thì có 1 lá thư của bạn.)